Một cách thẳng thắn, ngay sau thông tin Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ giá VND/USD lên 1%, đồng thời nới biên độ tỷ giá lên 3%, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã bày tỏ lo ngại rằng, việc tỷ giá tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến nợ công, vốn đã ở mức báo động. “Nợ của Chính phủ và nợ doanh nghiệp bằng ngoại tệ khá lớn. Vì vậy, tỷ giá tăng đồng nghĩa với gánh nợ này cũng nặng lên”, ông Hiếu nói.
Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lại khẳng định: “Không có cơ sở tăng tỷ giá sẽ làm tăng nợ công”. Theo lý giải của ông Thành, các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam không phải chỉ bằng USD, mà một phần khá lớn bằng yên Nhật và EUR. Thời gian qua, hai đồng tiền này đã giảm giá khá nhanh, vì vậy, nếu tăng tỷ giá thì chỉ khoản nợ bằng USD mới tăng lên khi quy đổi ra VND.
“Nếu điều chỉnh tỷ giá giúp nền kinh tế phát triển hơn, xuất khẩu tốt hơn thì khả năng trả nợ cũng tăng lên”, ông Thành - một trong những chuyên gia luôn ủng hộ việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mạnh tỷ giá - nói và cho rằng, nếu cứ kiềm tỷ giá thì xuất khẩu sẽ khó, doanh nghiệp trong nước ngày càng bị lấn át bởi doanh nghiệp nước ngoài thì khả năng trả nợ sẽ giảm. Bởi vậy, cần phải nhìn động thái điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam trong bối cảnh như vậy.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại một mặt đánh giá cao hướng xử lý linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi, khi CNY giảm giá khá mạnh và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất, mặt khác cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá như hiện tại “không ảnh hưởng bao nhiêu tới nợ công”. “Việc điều chỉnh tỷ giá có thể tác động tới tổng nợ công, đang khá lớn của Việt Nam, nhưng nhìn vào con số phải trả cả gốc và lãi mỗi năm khoảng hơn 1 tỷ USD, thì không phải quá lớn”, ông Mại nói.
Tuy nhiên, điều ông Mại quan ngại là nhiều quan điểm hiện nay cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh mạnh hơn nữa tỷ giá, bởi điều đó sẽ thúc đẩy xuất khẩu, tác động tốt tới nền kinh tế. “Về lý thuyết, điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhưng thực tế, chỉ một phần xuất khẩu được hưởng lợi mà thôi. Hơn nữa, Việt Nam cũng là nước phải nhập khẩu lớn. Điều chỉnh tỷ giá mạnh thêm nữa cũng sẽ làm tăng thêm gánh nặng nợ quốc tế. Vì thế, khi điều chỉnh tỷ giá phải cân nhắc một cách toàn diện, chứ không phải chỉ lấy lý do hỗ trợ cho xuất khẩu”, ông Mại bày tỏ quan điểm.
Có một câu chuyện liên quan đến nợ công cần được nhắc tới, đó là cách đây chưa lâu, các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) đã khẳng định rằng, áp lực nợ công của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ vấn đề bội chi ngân sách, và điều này có nguyên nhân từ chi thường xuyên tăng cao, từ việc phát hành trái phiếu chính phủ lớn (phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2014 đã tăng gần gấp 4 lần so với năm 2010. Đồng thời, có tới 55% lượng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm 2014 có kỳ hạn dưới 3 năm, gây áp lực lớn lên khả năng trả nợ, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ), chứ không phải là từ nợ nước ngoài, từ các khoản vay ODA.
Theo nghiên cứu của JICA, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ/tổng nợ công của Việt Nam đã liên tục giảm trong giai đoạn 2010 - 2014. Nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu đến từ ODA, do đó ODA của Chính phủ vay nợ so với tổng nợ công trong 5 năm qua là giảm.
Trong một cuộc trao đổi với báo giới vào tuần trước, ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, cũng đã một lần nữa khẳng định rằng, nợ công của Việt Nam tăng lên không phải do vốn ODA, đặc biệt là ODA Nhật Bản.
Như vậy, vấn đề ở đây không phải là chuyện điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến nợ công. Và thực tế, Bộ Tài chính sau khi đánh giá tác động của việc Trung Quốc phá giá CNY và Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá lên 2% hôm 12/8 cũng đã khẳng định “tác động tới nợ công là không đáng kể”.
Thêm vào đó, bình luận về động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, TS. Phan Minh Ngọc cũng đã nhắc đến chuyện “vay nợ nước ngoài tràn lan cũng trở thành chuyện quá khứ, buộc bất cứ ai, kể cả Chính phủ, muốn vay mượn nước ngoài đều phải cân nhắc hai lần, nhờ thế giảm áp lực nợ nước ngoài lên nền kinh tế Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng khi không phải dốc quỹ dự trữ ngoại hối gián tiếp trả nợ thay cho cả nền kinh tế”.