Thời sự
Nợ đọng xây dựng cơ bản có xu hướng tăng trở lại
Mạnh Bôn - 28/05/2018 08:26
PGS-TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thực sự lo ngại khi nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) có xu hướng quay trở lại.
TIN LIÊN QUAN

Nợ đọng XDCB gây áp lực vô cùng lớn trong cân đối ngân sách nhà nước. Thưa ông, sau 3,5 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tình hình nợ đọng XDCB hiện ra sao?

Luật Đầu tư công có nhiều quy định nhằm chấm dứt đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí, nợ đọng XDCB, nhưng sau 1 tháng đi kiểm tra tình hình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 tại nhiều địa phương, chúng tôi đã phát hiện ra nợ đọng XDCB phát sinh sau ngày 31/12/2014 tới 14.614 tỷ đồng, tỷ lệ nợ đọng XDCB đến hết 31/12/2016 so với tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 của nhiều địa phương rất lớn như Hà Nam lên tới gần 457%; Hà Giang hơn 159%; Ninh Bình gần 133%... 

Số lượng địa phương còn nợ đọng XDCB trước thời điểm 1/1/2015 ở mức 2.000 - 3.000 tỷ đồng, chưa có nguồn để xử lý, còn rất nhiều. số địa phương để phát sinh nợ đọng XDCB mới càng ngày càng nhiều và nếu không có giải pháp xử lý triệt để thì nợ đọng XDCB sẽ trở thành xu hướng. 

Điều đáng lo ngại nữa là nợ cũ còn rất lớn, trong cả giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, chưa có tiền xử lý, nợ mới phát sinh mà vẫn có địa phương (Hà Giang), dù còn rất nghèo, nhưng vẫn “mạnh dạn” đề nghị Chính phủ cho phép xây trụ sở hàng ngàn tỷ đồng, bằng gần một nửa số thu ngân sách địa phương năm 2018. 

Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình XDCB ở nhiều địa phương, ông còn thấy nổi lên điều gì nữa?

Nhiều địa phương chưa bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 để thu hồi số ứng trước kế hoạch vốn 24.204 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch vốn chưa sát thực tế, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, không phân bổ hết vốn đầu tư ngay từ đầu năm, khiến việc giải ngân vốn đầu tư công bị kéo dài, làm hạn chế hiệu quả sử dụng vốn. 

Hàng loạt công trình, dự án đầu tư công ở nhiều địa phương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng không phê duyệt quyết toán. Có địa phương còn tới 3.000 dự án lớn nhỏ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán; số địa phương còn 400-500 dự án chưa quyết toán có thể nói là “đếm không xuể”. Có thể do ngân sách địa phương không cân đối được nguồn để thanh toán nên cố tình kéo dài thời gian quyết toán theo kiểu “câu giờ”, đợi đến khi nào ngân sách địa phương vượt thu, thậm chí đợi đến kỳ đầu tư trung hạn sau được phân bổ vốn mới quyết toán.

Ngoài ra, tình trạng phê duyệt dự án đầu tư không đúng trình tự, không phù hợp với quy hoạch vùng; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác; phê duyệt dự toán vượt tổng mức đầu tư; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định; giám sát thi công tại một số dự án không chặt chẽ; chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng; tiến độ thực hiện còn chậm; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót… vẫn tiếp tục diễn ra. 

Chỉ còn 2,5 năm nữa là kết thúc kỳ đầu tư trung hạn 2016 - 2020, ông đánh giá thế nào về việc cân đối nguồn vốn đầu tư thời gian tới?

Chỉ cần nói về việc cân đối nguồn vốn đầu tư đã thấy rất đáng lo ngại. Cụ thể, tổng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương phải bảo đảm 1,12 triệu tỷ đồng. Trong số tiền ngân sách trung ương phải chi ra cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, sau khi trừ đi vốn nước ngoài, phát hành trái phiếu chính phủ và tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm 310.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, thu ngân sách trung ương liên tục không đạt dự toán, chính sách tăng thu (thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài sản) nào đưa ra cũng bị xã hội phản ứng, thì chưa biết xoay sở vào đâu.

Các địa phương phải chịu trách nhiệm cân đối 880.000 tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Về tổng thể, ngân sách địa phương liên tục thu vượt dự toán, nhưng số địa phương hụt thu (không tính tiền sử dụng đất) đã tăng lên rất mạnh, từ 12 tỉnh năm 2016 lên 33 tỉnh năm 2017. Năm 2018 chưa biết thế nào, nhưng số địa phương hụt thu chắc cũng rất lớn. Với địa phương hụt thu chưa biết lấy tiền đâu để cân đối cho khoản đầu tư trung hạn, thanh toán nợ đọng XDCB phát sinh đến thời điểm 31/12/2014.

Không cân đối được nguồn dành cho đầu tư công trung hạn, thanh toán nợ đọng XDCB và xử lý hàng chục ngàn dự án đầu tư dở dang phải tạm dừng thi công theo Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, nên tôi thực sự lo ngại.

Tin liên quan
Tin khác