Doanh nghiệp
Nối dài danh sách công ty xi măng báo lỗ
Hải Yến - 20/06/2024 15:09
Thị trường bất động sản trầm lắng, khiến xi măng ế ẩm. Ngành xi măng phải cắt giảm công suất, nhiều “ông lớn” đã dừng sản xuất, doanh thu sụt giảm thê thảm.
Thua lỗ khiến nhiều dây chuyền xi măng phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất

Tới 42 dây chuyền dừng sản xuất

“Chưa bao giờ, ngành xi măng rơi vào cảnh bi đát đến thế. Riêng năm 2023, số dây chuyền phải ngưng sản xuất 1-6 tháng đã lên tới 42 dây chuyền, trong đó một số dây chuyền phải dừng cả năm”, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cảm thán khi thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành.

Giai đoạn 2014-2022, sản lượng clinker và xi măng tiêu thụ hàng năm đều tăng cao, điển hình năm 2022, toàn ngành tiêu thụ 108,4 triệu tấn. Nhưng năm 2023, tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng, đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình cũng tương tự năm ngoái.

Cũng từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng, tổng sản lượng năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, các dây chuyền hoạt động toàn ngành chỉ đạt 75% công suất thiết kế.

Theo Bộ Xây dựng, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước rất lớn, trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng lại rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Nếu không có giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ phá sản.

Kể cả những doanh nghiệp lớn cũng phải dừng lò vì sản xuất ra không bán được hàng, như Xi măng Phúc Sơn, Công Thanh, Duyên Hà, Luckcemen cho dừng cả 2 dây chuyền nguyên năm 2023; Xi măng Thành Thắng, Vissai Hà Nam dừng cả năm 1 dây chuyền.

Nửa đầu năm 2024 cũng chưa khá khẩm hơn. Tổng sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ. Các nhà máy chỉ chạy 70-75% tổng công suất thiết kế, tồn kho lũy kế hiện là 5 triệu tấn.

Thị trường tiêu dùng xi măng ảm đạm, trong khi tổng công suất thiết kế của ngành xi măng quá lớn (123 triệu tấn, nhưng có thể sản xuất hơn con số này hàng chục triệu tấn), thành thử, hiện đang có 4 dây chuyền công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm, đã đầu tư xong, nhưng chưa đưa vào vận hành vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng ước tính theo giá trị hiện tại là 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), trong đó, nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn nhà nước chiếm khoảng 75% tổng mức đầu tư.

Gỡ bằng cách nào?

Sản xuất, tiêu thụ xi măng lao dốc, tài chính đang là vấn đề lớn với các doanh nghiệp trong ngành này.

Do tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp phải dừng một số dây chuyền, dẫn đến dòng tiền để trả nợ tổ chức tín dụng và chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào rất khó khăn. Nhiều nhà máy xi măng sản xuất không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, nợ xấu.

Trong năm 2023, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lần đầu tiên báo lỗ trước thuế 500 tỷ đồng. Còn quý I/2024, Vicem Hà Tiên giảm gần 12% doanh thu so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.495 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm. Công ty lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng.

Tương tự, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu thuần quý I/2024 đạt 690 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 48,6 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp này kể từ quý III/2022.

Xi măng Vicem Bút Sơn (mã BTS) cũng lỗ hơn 55 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp thua lỗ.

Danh sách các doanh nghiệp xi măng báo lỗ vẫn tiếp tục dài ra.

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nhiều nhà máy sản xuất xi măng đang chịu áp lực lớn về tài chính, khó khăn vì vay vốn đầu tư ban đầu nhiều, chi phí sản xuất tăng cao, tiêu thụ sản phẩm chậm, khiến dòng tiền lưu thông trong sản xuất không đảm bảo.

Đại diện Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các chính sách về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của doanh nghiệp vật liệu xây dựng và xi măng cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, cụ thể điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng clinker xi măng hiện đang ở mức 10% về 0%, vì đây là sản phẩm chế biến sâu.

Cùng với đó, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng sản phẩm clinker không thuộc đối tượng khoản 2, Điều 5; để clinker được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% khi xuất khẩu như tiêu thụ trong nước và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tương tự sản phẩm xi măng.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA cho rằng, để gỡ khó cho sản xuất xi măng, cần khuyến khích sử dụng xi măng làm đường cao tốc, cầu cạn ở những vùng có địa hình đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long, một số khu vực tại miền Trung, miền núi.

Đẩy mạnh việc gia cố nền đường bằng xi măng thay thế cho công nghệ truyền thống đắp nền cao tốc bằng đất, cát hiện nay để tăng tuổi thọ công trình.

Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp xi măng, ưu tiên doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động, không khuyến khích đầu tư FDI vào ngành xi măng vì doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được công nghệ.

“Nếu tình trạng khó khăn của doanh nghiệp xi măng tiếp diễn, việc chuyển đổi sở hữu từ chủ đầu tư trong nước sang nhà đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra, gây nguy cơ ngành xi măng rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường, bình ổn giá mặt hàng này”, đại diện VNCA lo ngại.

Tin liên quan
Tin khác