Sẽ chẳng có nhà đầu tư nào mặn mà bỏ tiền và đồng hành với những doanh nghiệp không quan tâm đến công tác quan hệ nhà đầu tư |
Cổ đông nhỏ lẻ bức xúc thấy tài sản bốc hơi, nhiều người vội vã bán cổ phiếu, vị chủ tịch thì muốn đăng đàn để chia sẻ thông tin, nói rõ nỗi lòng, nhưng nhiều thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp lại không ủng hộ với lý do “cự cãi” với tin đồn là dại mặt.
Sau rất nhiều tranh luận, vị chủ tịch đã rút lui về phía sau để các cộng sự phản công với kẻ "giấu mặt”. Cuộc chiến chưa biết còn tiến tới đâu, chỉ biết rằng, các bên hao tổn tâm lực không ít. Ðó chỉ là một ví dụ cho thấy tình cảnh khó xử của nhiều chủ tịch, CEO trên sàn chứng khoán khi sóng đang cao trào.
Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư giỏi, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong chứng khoán hóa tài sản doanh nghiệp. Bởi vậy, không ít cổ đông của các công ty đang rất ấm ức vì giá cổ phiếu cứ lẹt đẹt, thậm chí giao dịch dưới giá trị sổ sách.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề kinh doanh tệ hơn lại được nhà đầu tư quan tâm, giá cổ phiếu cứ tăng vù vù. Sự bức xúc càng lớn hơn khi thị trường đang vào giai đoạn tăng trưởng, nhìn ra xung quanh, cổ đông của nhiều doanh nghiệp rủng rỉnh, còn tài khoản của mình vẫn "đội nón" ra đi.
Ứng xử với tin đồn là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp luôn phải có kịch bản “bỏ túi”. Có lãnh đạo doanh nghiệp chủ trương: “Chúng tôi sẽ tích cực và chủ động hơn trong vấn đề cung cấp thông tin nhanh chóng kịp thời về mọi hoạt động của Công ty để kẻ xấu không thể tung tin đồn thất thiệt”.
Nhưng cũng có người quan niệm hơi đâu cự cãi với miệng lưỡi thiên hạ và họ im lặng. Nhưng im lặng không hẳn là thượng sách vì thông tin doanh nghiệp càng u u minh minh, nhà đầu tư càng ngại “xuống tiền”. Còn với những cổ đông trung thành với doanh nghiệp, đó là một sự thiệt thòi, bởi họ không có đủ thông tin để ra quyết định kịp thời.
"Sân chơi" chứng khoán giờ đã khác trước rất nhiều, trên toàn thị trường có hàng nghìn mã cổ phiếu, trong khi nguồn lực của nhà đầu tư lại có hạn. Vì vậy, khi nào cổ đông cảm nhận được rõ rệt quyền lợi của họ được quan tâm, họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp.
Nếu như người lao động trong doanh nghiệp đòi hỏi lương thưởng, môi trường làm việc tốt, thì cổ đông lại đòi hỏi cổ tức và giá trị cổ phiếu cao trên thị trường. Không đảm bảo được những yêu cầu này, người lãnh đạo doanh nghiệp chưa làm “tròn vai”.
Với thực tế hiện nay cũng dễ dàng kể tên các cổ phiếu “ngược sóng” đang chìm nghỉm và gây thua thiệt cho cổ đông, do lãnh đạo doanh nghiệp không có tư duy thay đổi và thích ứng.
Cũng không hiếm doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cả trong khu vực đã thiết lập động lực để minh bạch thông tin, để các bên có liên quan đến doanh nghiệp đều được đồng lợi, và giá cổ phiếu trở thành một trong những thước đo. Bên cạnh kinh doanh tốt, lãnh đạo doanh nghiệp còn phải nỗ lực để giá cổ phiếu phán ánh đúng kết quả đó.
Sẽ chẳng có nhà đầu tư nào mặn mà bỏ tiền và đồng hành với những doanh nghiệp không có sự chuyển động tích cực nào về công tác quan hệ nhà đầu tư trong suốt những năm lên sàn.