Đầu tư
“Nới” quy hoạch đón các sân bay nhỏ
Bảo Như - 08/12/2022 09:23
Sẽ có thêm 9 địa phương được đưa vào danh sách có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không và xem xét bổ sung vào quy hoạch các sân bay trên địa bàn khi có đủ điều kiện.
Các sân bay quy mô nhỏ có thể cung cấp kết nối trực tiếp giữa các vùng, hoặc đón các chuyến bay charter quốc tế khi có nhu cầu

Hoàn tất rà soát

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về kết quả làm việc với 10 địa phương về đề nghị bổ sung quy hoạch các sân bay trên địa bàn vào Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc).

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ ngày 9/11 đến ngày 18/11/2022, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI) tiến hành làm việc với UBND của 10 tỉnh trong thời gian vừa qua có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch các sân bay nhỏ trên địa bàn.

Tại mỗi buổi làm việc, Cục Hàng không Việt Nam, đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị ngành hàng không dân dụng đã nêu rõ kết quả nghiên cứu, đánh giá về khả năng bố trí, quy hoạch cảng hàng không; phân tích, đánh giá nhu cầu để UBND các tỉnh xem xét.

Kết thúc buổi làm việc, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam để thống nhất nội dung, có ý kiến chính thức cuối cùng về đề xuất của địa phương trong việc quy hoạch cảng hàng không, sân bay.

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam vào tháng 4/2022, trong giai đoạn 2021 - 2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM với 28 cảng hàng không.

Bên cạnh đó, hồ sơ quy hoạch vẫn để mở cho việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng: quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế; 17 cảng hàng không quốc nội.

“Đến nay, đã có 5/10 tỉnh có ý kiến chính thức bằng văn bản (Hà Giang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Tây Ninh); 5/10 tỉnh (Tuyên Giang, Sơn La, Yên Bái, Đắk Nông, Khánh Hòa) chưa có ý kiến chính thức bằng văn bản”, ông Thắng thông tin.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ động thành lập các đoàn công tác do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm trưởng đoàn tổ chức làm việc với các địa phương (Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Khánh Hòa, Tây Ninh) về việc bổ sung cảng hàng không mới trong Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không.

Bộ GTVT lưu ý Cục Hàng không Việt Nam trong quá trình làm việc, trao đổi với các địa phương cần rà soát, đánh giá khả năng hình thành cảng hàng không mới theo các tiêu chí đã xây dựng tại hồ sơ Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không; đánh giá khả năng khai thác hàng không dân dụng theo mô hình sân bay chuyên dùng đối với các vị trí được đề xuất; trình tự, thủ tục triển khai theo quy định.

“Đây là cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Cần phải nói thêm rằng, khi trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không lần đầu vào tháng 4/2022, Bộ GTVT đã liệt kê 6 tiêu chí quan trọng để 1 sân bay có thể được đưa vào quy hoạch, gồm: sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không…); cự ly tiếp cận (100 km đối với sân bay đồng bằng và 200 km đối với sân bay miền núi).

Các tiêu chí này được đưa ra, theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI, là nhằm tránh lãng phí về nguồn lực và cũng là cơ sở để các nhà đầu tư tư nhân có thể định lượng hiệu quả trong trường hợp các sân bay được đầu tư theo hình thức PPP.

 

Tính mở cao

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong quá trình làm việc, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã nhận được sự đồng thuận cao của các địa phương về khả năng bổ sung sân bay trên địa bàn vào Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc. Kết quả rà soát sơ bộ khả năng khai thác hàng không thương mại cũng khá tích cực đối với hầu hết các đề xuất bổ sung vào Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc, ngoại trừ sân bay Mộc Châu (Sơn La).

Nghiên cứu sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, có thể thiết lập được sân bay tại huyện Mộc Châu, tuy nhiên, vị trí khu đất hiện tại trong khu vực rừng quốc gia Mộc Châu có điều kiện thời tiết không thuận lợi với số liệu thống kê ban đầu là khoảng 5 tháng có sương mù, ảnh hưởng lớn đến khai thác dân dụng.

UBND tỉnh Sơn La cũng thống nhất, nhu cầu vận tải đường hàng không tại tỉnh Sơn La chưa cao, thì việc đầu tư thêm cảng hàng không mới tại Mộc Châu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của cảng hàng không Nà Sản. Đồng thời, vị trí cảng hàng không đề xuất tại Mộc Châu cách xa trung tâm hành chính TP. Sơn La, giao thông tiếp cận từ TP. Sơn La tương đối xa và điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên UBND tỉnh Sơn La đề nghị sân bay Mộc Châu chỉ là sân bay chuyên dùng và đầu tư khi có nhu cầu.

Đối với 2 sân bay tại Sơn La, Cục Hàng không Việt Nam thống nhất phương án báo cáo Bộ GTVT về việc tiếp tục xác định và quy hoạch cảng hàng không Nà Sản trong Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc và đề nghị UBND tỉnh Sơn La làm việc trực tiếp với Bộ Quốc phòng để quy hoạch vị trí sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu.

Đối với các sân bay còn lại, Cục Hàng không Việt Nam cơ bản thống nhất báo cáo Bộ GTVT đưa các địa phương đề xuất các sân bay này vào danh sách các tỉnh có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không và kiến nghị đưa các sân bay đó vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc đang triển khai với nội dung: tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, về lâu dài có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch khi có đủ điều kiện.

Cục Hàng không Việt Nam cũng thống nhất đưa vào phần tổ chức thực hiện trong Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung nội dung: “Giao UBND các tỉnh tổ chức nghiên cứu, lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động thị trường bằng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng cảng hàng không, sân bay trên địa bàn tỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, quan điểm của đơn vị tư vấn là: nếu các cảng hàng không mới không có xung đột về vùng trời, lại có doanh nghiệp cam kết bỏ 100% vốn đầu tư, thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch.

“Trước mắt, cần ưu tiên các địa phương vùng sâu, vùng xa; hải đảo hoặc có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Hiện giờ kinh tế phát triển rất nhanh, nên quy hoạch hàng không cũng cần có tính động, tính mở để tạo dư địa cho các địa phương chủ động kêu gọi phát triển hạ tầng thiết yếu”, ông Sơn cho biết.

Theo lãnh đạo TEDI, phần lớn kiến nghị bổ sung sân bay vào quy hoạch của các địa phương đều có tính hợp lý nhất định, rõ nhất là trường hợp của Hà Giang. Trong bối cảnh việc đầu tư các tuyến cao tốc kết nối địa phương này với Hà Nội có chi phí đầu tư rất lớn, thời gian xây dựng có thể kéo dài cả chục năm, thì việc đầu tư ngay một sân bay có quy mô hợp lý với chi phí chỉ bằng vài chục cây số đường cao tốc có thể mang lại cú hích rất lớn trong thu hút đầu tư, đánh thức các tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn.

Chia sẻ quan điểm này, ông Michel Werson, chuyên gia kinh tế trưởng của NACO (Tập đoàn Royal Haskoning DHV) cho rằng, các sân bay địa phương, sân bay quy mô nhỏ có vai trò quan trọng trong hệ thống cảng hàng không của một quốc gia. Ngoài vai trò “đầu nối”, các sân bay này còn có thể cung cấp kết nối trực tiếp giữa các vùng, hoặc đón các chuyến bay charter quốc tế khi có nhu cầu.

“Điều này đặc biệt quan trọng đối với các vùng xa xôi hoặc các vùng cần những kết nối giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tiêu biểu như phát triển điểm đến du lịch; tạo việc làm, thu nhập từ thuế và điểm tiếp cận nhanh nhất để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp thiên tai và cung cấp khả năng nhanh chóng tiếp cận với hỗ trợ y tế chuyên biệt mà khu vực đó hiện đang thiếu”, ông Michel Werson phân tích.

Tin liên quan
Tin khác