PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) |
Để đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chủ trương đưa ra là thu hút thêm nguồn vốn ngoại. Theo ông, liệu vấn đề này có hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thị trường hiện nay?
Theo tôi, để đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng thì cần thiết hút thêm vốn ngoại. Nhưng để thu hút được vốn của nhà đầu tư nước ngoài, trước hết cần có độ mở lớn về room và tạo cơ chế riêng để nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy có nhiều điều kiện hơn khi tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Thực tế, trước đây chúng ta cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong nước, nhưng vẫn chưa có thương vụ mua bán nào thành công. Bởi với các ngân hàng yếu kém, đang bị kiểm soát đặc biệt, vốn dĩ nợ xấu tăng cao, thậm chí âm vốn chủ sở hữu, nên không phải nhà đầu tư nào cũng hào hứng để tham gia.
Như vậy, cần giải pháp gì để hút nhà đầu tư ngoại tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém của Việt Nam, thưa ông?
Để có thể kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém của Việt Nam, ngoài cơ chế chính sách, cần thiết nới thêm room ngoại. Hiện đầu tư vào lĩnh vực này có rào cản nhất định, trong đó có tỷ lệ về room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định hiện hành chỉ được tối đa 30%. Tuy nhiên, với tỷ lệ này, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, họ khó có thể tìm được tiếng nói chi phối trong Hội đồng Quản trị của một ngân hàng Việt Nam. Bởi thực tế, mô hình của các ngân hàng Việt Nam trực thuộc Chính phủ, khác với sự độc lập của các ngân hàng trên thế giới, nên việc thu hút vốn ngoại vào tái cơ cấu ngân hàng không dễ.
Trong khi đó, Chính phủ cũng không tự bỏ nguồn lực để tái cơ cấu ngân hàng, nên để thu hút được thêm nhiều nguồn vốn ngoại, cần hơn nữa sự nhất quán, không chồng chéo trong hành lang pháp lý và tiếp tục tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại tư nhân và ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, bản thân ngân hàng phải tự trưởng thành, nâng cao quản trị, điều hành để tạo sự hấp dẫn hơn với vốn ngoại, nhất là đáp ứng các chuẩn mực quản trị quốc tế cao hơn như Basel III.
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong nước cũng muốn thu hút vốn ngoại?
Đúng vậy, ngân hàng luôn là lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đáng chú ý là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… đã thực hiện không ít thương vụ M&A thành công trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam. Các nước trên có sự tương đồng về vị trí địa lý, văn hóa với Việt Nam. Đối với ngân hàng trong nước, chủ trương thu hút sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, bởi không chỉ thu hút thêm nguồn lực tài chính, mà còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của các nhà băng.
Trong xu thế cạnh tranh về công nghệ giữa ngân hàng, Fintech và ngay cả giữa các ngân hàng diễn ra rất quyết liệt hiện nay, thì sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ có ý nghĩa quan trọng. Nhờ đó, ngân hàng không chỉ tăng quy mô vốn, sức cạnh tranh, vốn ngoại còn giúp ngân hàng tái cấu trúc, tối ưu hóa chi phí, từ đó tăng thêm hiệu quả hoạt động.
Nhận định của ông về xu hướng M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng năm 2024?
Tâm điểm M&A của lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn tập trung vào các thương vụ chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém. Với sự tham gia của các ngân hàng lớn giàu tiềm lực, các ngân hàng yếu kỳ vọng sẽ đổi mới năng lực quản trị, tái cơ cấu hoạt động hiệu quả hơn, nhưng trước mắt còn khó khăn.
Hiện kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động. Nên dù thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, khi nước ta có kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tốt…, nhưng có lẽ phải đợi đến khi kinh tế toàn cầu trở về trạng thái ổn định hơn, mới có thể kỳ vọng vốn ngoại sẽ quay trở lại nhiều hơn với Việt Nam.