Chỉ số Nikkei 225 giảm 3,84% trong phiên giao dịch sáng nay 30/3, còn chỉ số Topix mất 4,37%. Ảnh: AFP |
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 bị kéo tụt 3,84% do cổ phiếu “nặng ký” của Softbank Group trượt dốc 7,74%, còn chỉ số Topix giảm 4,37%. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,44%.
Chứng khoán Trung Quốc cũng mở phiên nhuốm đỏ với thị trường đại lục ghi nhận chỉ số Shanghai Composite giảm 1,4% còn chỉ số Shenzhen trượt 1,946%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng mất 2,02%.
Trong khi đó, chứng khoán Australia ngược sóng với khu vực với chỉ số S&P/ASX 200 tăng 2,14%. Đây được xem là phiên hồi sức khá mạnh của chứng khoán Australia sau cú trượt sâu hơn 5% trong phiên giao dịch cuối tuần trước 27/3.
Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sụt giảm 1,33%.
Diễn biến dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu đang là mối rủi ro lớn nhất với các nhà đầu tư hiện nay khi dịch bệnh cướp đi sinh mạng của ít nhất 33.900 người và hơn 720.000 ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới, theo số liệu mới cập nhật của Đại học John Hopkins.
Các thị trường chứng khoán tuần qua vẫn biến động mạnh cả ở 2 chiều tăng giảm khi chính phủ các nước liên tục công bố gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế đối phó dịch Covid-19.
“Câu hỏi lớn cho các thị trường chứng khoán là liệu các gói kích thích có đủ sức cứu nền kinh tế toàn cầu trước cú sốc từ các biện pháp chống dịch Covid-19”, ông Rodrigo Catril, chuyên gia tiền tệ tại Ngân hàng Quốc gia Australia nêu vấn đề.
“Để trả lời câu hỏi trên, cần phải xác định liệu các biện pháp chặn dịch sẽ kéo dài trong bao lâu. Các thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục biến động cho đến khi các bất ổn được giải quyết”, ông Catril nói thêm.
Thị trường tiền tệ hôm nay ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác rơi từ mốc 100 thiết lập tuần trước về 98,493. Đồng yên Nhật Bản mạnh lên đáng kể và giao dịch ở mức 107,42 JPY/USD so với mức 110 JPY/USD, còn đô la Australia cũng lên giá và trao tay ở mức 1 AUD/0,6149 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay tiếp tục lao dốc, với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm thêm 5,78% còn 23,49 USD/thùng, trong khi dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt giá 4,37% về mức 20,57 USD/thùng.