Thời điểm rút lui cực tốt
Cuối cùng, thương vụ Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) thâu tóm chuỗi Điện máy Trần Anh (mã: TAG) chính thức được hoàn tất. MWG đã chi khoảng 850 tỷ đồng sở hữu hơn 23,6 triệu cổ phiếu TAG của Trần Anh, tương đương 95% vốn.
Đối với người sáng lập TAG, ông Trần Xuân Kiên, quyết định của TAG cũng giống với giai đoạn đầu năm 2010, khi TAG chuyển đổi mô hình từ chuỗi cửa hàng bán lẻ máy tính đơn thuần sang mô hình chuỗi siêu thị điện máy.
Chuỗi điện máy Trần Anh đã chính thức về tay Thế giới Di động, mở ra nhiều dự cảm tốt về thị trường điện máy trong tương lai. |
“Bán TAG lúc này, tôi căn cứ vào dự cảm về diễn biến tình hình thị trường trong tương lai”, ông Kiên nói.
Sau sự ra đời rất thành công của điện thoại iPhone năm 2007, Ban Lãnh đạo TAG dự đoán, trong tương lai, smartphone sẽ ngày càng phát triển và đáp ứng được phần lớn nhu cầu của các khách hàng đang sử dụng máy tính như công cụ check email và lướt web. TAG quyết định không tập trung vào lĩnh vực bán lẻ máy tính đơn thuần, mà chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực siêu thị điện máy kể từ cuối năm 2009.
Còn hiện tại, TAG nhận thấy xu thế thương mại điện tử đang lên mạnh mẽ trên toàn cầu. Một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu thế này là lĩnh vực bán lẻ điện máy. Rất nhiều công ty bán lẻ điện máy lớn trên khắp thế giới đã phải đóng cửa hàng trăm siêu thị mỗi năm do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các trang thương mại điện tử như Amazon.com, Alibaba.com, JD.com... Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng này. “Đó là lý do chúng tôi lựa chọn cách rút lui vào thời điểm này”, ông Kiên nói.
Chỉ có điều trong lần rút lui này, ông Kiên lại chọn đối tác trong nước là MWG, thay vì đối tác Nhật Bản Nojima Corporation đã đi cùng TAG 4 năm và nắm 30,9% cổ phần. Với Nojima, ngoài vai trò là cổ đông chiến lược đã có những đóng góp rất to lớn cho sự phát triển của TAG hôm nay, ông Kiên thừa nhận, 4 năm bắt tay với Nojima là khoảng thời gian TAG có sự thay đổi tích cực nhiều nhất và cũng có sự phát triển thần tốc nhất trong suốt 15 năm có mặt trên thị trường.
“Họ rất hiểu chúng tôi suy nghĩ gì. Sau khi chúng tôi chia sẻ quan điểm với lãnh đạo Nojima, họ tôn trọng và đồng thuận theo các quyết định của TAG. Chúng tôi vẫn coi nhau như những người bạn và dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp”, ông Kiên nói.
Về với MWG, cụ thể là Điện Máy Xanh, theo ông Kiên, TAG sẽ là mảnh ghép tối ưu và bổ trợ cho nhau rất nhiều. Điện Máy Xanh đi theo chiến lược phát triển về các quận, huyện và vùng ven với quy mô siêu thị nhỏ, phân khúc giá sản phẩm tầm trung trở xuống. Còn TAG đi theo chiến lược tập trung vào các thành phố và đô thị lớn với quy mô siêu thị lớn, có bãi đỗ xe rộng rãi và tập trung vào phân khúc giá sản phẩm tầm trung trở lên. Hai mảnh này nếu ghép lại thành công, thì sẽ trở nên hoàn hảo và bổ trợ cho nhau rất nhiều.
Trước đó, giới phân tích cho rằng, các siêu thị Trần Anh có quy mô lớn và nằm tại những vị trí đắc địa, nhưng lợi nhuận hàng năm thấp. M&A được đánh giá là cơ hội tốt để chuỗi này cải thiện được hiệu suất hoạt động thuộc nhóm thấp nhất trong ngành điện máy suốt nhiều năm qua. Nhận định TAG có hiệu suất lợi nhuận thuộc nhóm thấp nhất trong ngành điện máy là chưa chính xác, vì ngành bán lẻ điện máy hiện chỉ có MWG và TAG là niêm yết trên sàn chứng khoán. Các số liệu kinh doanh được công khai, các công ty khác không phải công khai nên không ai biết thực trạng hoạt động, lỗ lãi ra sao.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới Di động, hiện là Chủ tịch HĐQT Trần Anh, cũng thừa nhận điều này. Thị trường bán lẻ điện máy nhiều tên tuổi, nhưng kiếm được công ty như Trần Anh là hiếm vì mọi thứ được minh bạch, dễ đoán định. Hơn nữa, ông Kiên là người làm thật, ăn thật.
Tất nhiên, về lý thuyết, M&A là cơ hội tốt để gia tăng sức mạnh, cải thiện vị thế và tăng lợi nhuận cho các công ty tham gia. Thực tế thì hiệu quả của thương vụ M&A sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình xử lý hậu M&A. Tỷ lệ M&A được coi là thành công trên thế giới chỉ khoảng 50%. Thời điểm này còn quá sớm để đưa ra các nhận định về việc MWG có thành công hay không sau khi mua TAG, dù MWG đang cải thiện nhiều văn hoá bán hàng của TAG.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất của bán lẻ điện máy
“Với những diễn biến trên thị trường, đây là một thương vụ tốt đối với cả hai”, một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực này nhiều năm ở Hà Nội cho biết.
Đối với cá nhân ông Kiên, để đi đến quyết định bán TAG không đơn giản. “Nếu chỉ nghĩ cho mình thì mọi việc lại rất đơn giản, lo cho hơn 2.000 cán bộ nhân viên TAG mới là điều tôi phải suy nghĩ nhiều nhất. Nhưng cũng giống như cha mẹ có con cái lớn đến ngày phải dựng vợ gả chồng cho các con thôi, ai cũng muốn chọn điều tốt nhất cho con cái của mình. Chúng tôi cũng có cảm xúc như vậy”, ông Kiên chia sẻ.
Cảm xúc của ông Kiên càng luyến tiếc hơn khi nghe dư luận, giới truyền thông đặt câu hỏi về việc MWG có ý định đổi tên Trần Anh sau thời gian mua lại từ 12-18 tháng, bởi Trần Anh là thương hiệu do ông khai sinh và dày công vun đắp. Nhưng về lý trí thì người sở hữu mới sẽ là người ra quyết định có giữ lại thương hiệu Trần Anh hay không. Ông Kiên tôn trọng và tin tưởng vào các quyết định của những người sở hữu mới đối với thương hiệu Trần Anh.
Cái cớ để ông Kiên đặt niềm tin tuyệt đối vào vận mệnh của TAG sau khi bán vì MWG có năng lực quản trị chuỗi tốt hơn so với TAG cũng như các đối thủ khác trong cùng ngành. “Đó là điều chúng tôi thấy cần học hỏi và đã học hỏi được rất nhiều”, ông Kiên nói.
Lĩnh vực điện máy là một lĩnh vực rất khó để diễn ra M&A giữa các công ty cùng ngành nghề, vì cái tôi của những người đứng đầu doanh nghiệp trong lĩnh vực này quá lớn. Ông Tài, ông Doanh và ông Kiên có thể là những ngoại lệ. Họ gặp nhau để bàn về việc M&A trong 2 buổi, mỗi buổi chỉ mất 1 - 3h là đã chốt xong các điều khoản cơ bản với sự thiện chí đến từ cả hai phía. Đặc biệt, đây cũng là thương vụ M&A đầu tiên giữa hai “đối thủ cạnh tranh” trong lĩnh vực điện máy Việt Nam, biết đâu cũng sẽ là thương vụ mở màn cho nhiều thương vụ M&A khác trong tương lai.
Thiết lập mảng kinh doanh mới
Gắn bó với bán lẻ điện máy 15 năm đã giúp ông Kiên có rất nhiều trải nghiệm thú vị cũng như kinh nghiệm để có thể triển khai trong những lĩnh vực kinh doanh mới. Giá trị lớn nhất đối với ông Kiên là được hợp tác và làm việc với những con người đầy nhiệt huyết và máu lửa, có được những mối quan hệ tốt với các đối tác uy tín, có tâm và tầm. Nếu không có Trần Anh, ông Kiên sẽ không có may mắn có được những điều đó. Bán Trần Anh, con đường kinh doanh của ông Kiên không dừng lại.
Ông Kiên đang cùng một số cán bộ quản lý TAG trước đây thiết lập mảng kinh doanh trong lĩnh vực Coworking Space (không gian làm việc chung, được hình thành bởi hai thành phần chính: tiện ích và cộng đồng). Mô hình kinh doanh này mang lại những giá trị mà mô hình văn phòng truyền thống đang thiếu, đồng thời bổ trợ cho nhau cùng phát triển.
Đây là lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã và đang có sự tăng trưởng rất mạnh trên toàn cầu. Dự kiến đầu quý II/2018, ông sẽ khai trương 5 điểm kinh doanh với tổng diện tích sàn văn phòng Coworking Space lên đến gần 10.000 m2 tại những tòa nhà văn phòng hạng A,B có thương hiệu trên thị trường. Dự kiến, trong năm 2018, ông sẽ mở 15-20 điểm kinh doanh Coworking với tổng diện tích dự kiến từ 30.000 - 40.000 m2.
Theo ông Kiên, tại Việt Nam có 31% doanh nghiệp có số lượng nhân viên dưới 10 người, ngoài ra, hàng năm có hơn 120.000 doanh nghiệp mới thành lập. Đây là những khách hàng tiềm năng. Thực tế tại Wework - công ty Coworking lớn số 1 thế giới, được định giá 20 tỷ USD, đang phục vụ cả những công ty và tập đoàn lớn thuê vài ngàn mét vuông trong Wework để làm văn phòng để tăng tính sáng tạo và sự năng động cho nhân viên của mình.
Coworking Space là trào lưu mới đang bùng nổ trên toàn thế giới, song tại Việt Nam, ông Kiên và các cộng sự sẽ có nhiều việc để làm nhằm giúp các khách hàng Việt Nam làm quen với xu thế này.