Sức khỏe doanh nghiệp
Nông nghiệp BaF Việt Nam dự kiến góp thêm 500 tỷ đồng vào 8 công ty con
Duy Bắc - 19/08/2022 08:40
Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF) thông qua việc góp vốn để tăng vốn điều lệ cho 8 Công ty và hỗ trợ cho vay trung và dài hạn với 2 Công ty.

Công ty thực hiện góp vốn cho 8 công ty gồm CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh để tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng (góp thêm 180 tỷ đồng); góp thêm 50 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng tại Công ty TNHH Đầu tư Trang Trại Xanh 2; góp thêm 40 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh;

Góp thêm 65 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh; góp thêm 65 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh; góp thêm 40 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư Trang Trại Xanh 1;

Góp thêm 30 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng Công ty TNHH Chăn nuôi Bảo Ngọc; và góp thêm 30 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Anh Vũ Phú Yên.

Tổng số tiền dự kiến góp thêm vào 8 Công ty con là 500 tỷ đồng.

Nông nghiệp BaF Việt Nam cho 2 công ty con vay vốn (Nguồn: BAF).

Đối với kế hoạch cho vay vốn trung và dài hạn, Công ty dự kiến cho vay tối đa 50 triệu đồng đối với CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh với lãi suất 6%/năm, thời gian dự kiến 5 năm; cho vay tối đa 50 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư Trang Trại Xanh 2 với lãi suất 6%/năm và kỳ hạn 5 năm.

Tính đến cuối tháng 6, Nông nghiệp BaF sở hữu 13 công ty con với tỷ lệ nắm giữ từ 98% đến 100% và 2 công ty liên kết. Trong đó, 12 đơn vị kinh doanh chính trong lĩnh vực chăn nuôi, một doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH MTV BAF Meat Bình Phước hoạt động chủ yếu là giết mổ và chế biến thịt.

Phát hành tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu

Ở một diễn biến khác, Công ty dự kiến phát hành tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation) – thành viên của Ngân hàng Thế giới (viết tắt IFC).

Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 7 năm kể từ ngày phát hành, đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, phát hành tại thị trường trong nước và dự kiến phát hành trong quý III tới quý IV/2022. Mức lãi suất danh nghĩa dự kiến 5,25%/năm.

Điểm đáng lưu ý, nếu bên mua không chuyển đổi trái phiếu sẽ nhận thêm lãi suất bổ sung 5,25%/năm và lãi suất bổ sung được tính lãi kép ở mức 10,5%/năm.

Quý II/2022, lợi nhuận giảm 62,6% về 40,42 tỷ đồng

Trong quý II/2022, Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.625,24 tỷ đồng, giảm 41,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 40,42 tỷ đồng, giảm 62,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 5,1% về còn 4,1%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 53,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 76,4 tỷ đồng về 65,97 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 313,9%, tương ứng tăng thêm 26,62 tỷ đồng lên 35,1 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 8,25 tỷ đồng lên 8,42 tỷ đồng (cùng kỳ 0,17 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 3.164,23 tỷ đồng, giảm 39,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 128,14 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 43% về 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% lên 402 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 31,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính dương 62,7 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 243,6 tỷ đồng, giảm 180,9 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 303,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 256,5 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Nông nghiệp BaF Việt Nam giảm 11% so với đầu năm, tương ứng giảm 601,1 tỷ đồng về 4.856,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.582,3 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.448,9 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 732,6 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, tồn kho tăng 33,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 361,2 tỷ đồng lên 1.448,9 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 44,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.281,1 tỷ đồng về 1.582,3 tỷ đồng.

Công ty thuyết minh khoản phải thu giảm mạnh chủ yếu hàng loạt các khoản phải thu của các tổ chức giảm về 0 như CTCP Tập đoàn Tân Long, CTCP Nông sản Sông Lam, Công ty TNHH Thương mại Nông Lâm Vạn Thành Long, CTCP Thăng Hoa, CTCP Đầu tư Hoàn Kiếm …

Ngoài ra, tính tới cuối quý II/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của BAF tăng 157,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 256,4 tỷ đồng lên 419,5 tỷ đồng và chiếm 8,6% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/8, cổ phiếu BAF giảm 950 đồng về 28.850 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác