Lâm Đồng phát triển rất nhiều nhà kính sản xuất rau, hoa |
Thay đổi diện mạo
Bước chuyển rõ nét là tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đạt bình quân 5 - 5,5% và chiếm 45,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 146 triệu đồng/ha năm 2015 lên 170 triệu đồng/ha năm 2020. Bên cạnh đó, diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh không ngừng tăng lên, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.
Điển hình là Công ty TNHH Dalat Hasfarm sản xuất hoa, giống hoa quy mô công nghiệp trên tổng diện tích sản xuất 260 ha tại TP. Đà Lạt, huyện Đơn Dương và huyện Lâm Hà, với 50% sản phẩm được xuất khẩu.
Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã ứng dụng các công nghệ trong sản xuất hoa như công nghệ sinh học (nghiên cứu, khảo nghiệm, phân lập các loại thiên địch, nấm có ích ứng dụng trong sản xuất, giảm lượng phân, thuốc hóa học; sản xuất các loại giống hoa chất lượng cao); công nghệ tự động hóa (điều khiển tự động quá trình chăm sóc cây trồng).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, chế biến nông sản được quan tâm đầu tư phát triển cả về quy mô và trình độ ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, việc hình thành các mô hình trung tâm sau thu hoạch và hoạt động hiệu quả đã giúp thay đổi nhận thức của người dân, tiểu thương dần thay đổi, từ đó giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch 8-10%; tỷ lệ rau quả qua sơ chế, chế biến đạt trên 70%, trong đó chế biến đạt khoảng 22%.
Tỉnh Lâm Đồng có đặc điểm, điều kiện tự nhiên và vùng sản xuất chuyên canh với nhiều sản phẩm chủ lực như rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi giá súc, gia cầm và thủy sản nước lạnh…, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất nông, lâm, thủy sản; qua đó góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cho tỉnh, đồng thời thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
Về cây rau, hoa, toàn tỉnh có 123 doanh nghiệp chế biến rau, quả (7 doanh nghiệp nước ngoài và 116 doanh nghiệp trong nước), mỗi năm chế biến được khoảng 44.222 tấn thành phẩm, tương đương hơn 550.500 tấn nguyên liệu; 933 cơ sở thu gom sơ chế rau, quả (khoảng 15% số cơ sở có quy mô sơ chế trên 1.000 tấn/năm), tổng lượng rau các loại qua sơ chế đạt trên 1,5 triệu tấn.
Thị trường trong nước chiếm khoảng 90% nguồn cung cấp rau, hoa của Lâm Đồng, trong đó tập trung ở các tỉnh Đông Nam bộ (60-63%), miền Tây (12-15%), các tỉnh miền Trung (12-15%), Hà Nội (7-10%). Thị trường xuất khẩu chiếm khoảng 10% tổng sản lượng.
Về chế biến cà phê nhân, tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp hoạt động chế biến và trên 250 cơ sở sơ chế nhỏ lẻ quy mô hộ cá thể với tổng công suất chế biến 300.000 - 320.000 tấn cà phê nhân (chiếm 80-90% tổng sản lượng), trong đó có 13 đơn vị xuất khẩu trực tiếp.
Với cà phê rang xay, cà phê bột, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 172 doanh nghiệp, cơ sở chế biến đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng sản lượng khoảng 10.280 tấn/năm.
Lâm Đồng hiện có 161 công ty chế biến chè với quy mô 39.410 tấn/năm và 65 cơ sở chế biến chè với quy mô 10.000 tấn/năm, tập trung tại TP. Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà và Di Linh. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước, chiếm 59% sản lượng.
Đáng chú ý, Lâm Đồng có 90 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng trên 11.500 tấn thành phẩm, trong đó có 44 doanh nghiệp và 46 cơ sở nhỏ lẻ. Các sản phẩm chủ yếu là nước cốt chanh dây, nước cốt trái cây các loại, trái cây sấy các loại, mứt, rượu.
Lâm Đồng còn phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với tiêu thụ nông sản và kiểm soát chất lượng theo chuỗi an toàn. Ước tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 210 chuỗi liên kết với 19.320 hộ liên kết (16.754 hộ trồng trọt và 2.566 hộ chăn nuôi), quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 31.212,45 ha với sản lượng 460.000 tấn, trong chăn nuôi đạt 1.037.961 con (trong đó có 412.600 con gà, 241.200 con heo, 26.460 con bò sữa, 1.200 con bò thịt…) với sản lượng 143.253,75 tấn. Giá trị sản xuất thông qua chuỗi (giá cố định 2010) đạt 11.329.024 triệu đồng, theo giá hiện hành đạt 18.582.126 triệu đồng.
Tổng diện tích áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... là 5.886 ha. Trong đó, rau 3.060 ha, chè 637,4982 ha, cây ăn quả 1.241,185 ha, lúa 605,193 ha, dược liệu 46,4 ha, cà phê 292,5 ha, tiêu 3 ha. Diện tích sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest là 84.019 ha, sản lượng đạt 261.620 tấn/năm.
Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi, đến nay, Lâm Đồng có 4 cơ sở nuôi cá tầm quy mô 140.000 con; 3 trang trại chăn nuôi heo với quy mô 193.000 con; 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm 33.300 con; 26 cơ sở chăn nuôi ong với quy mô 5.860 đàn ong. Áp dụng quy trình chăn nuôi tốt theo VietGAP, hiện có 4 vùng chăn nuôi với 50 tổ hợp tác với 718 hộ, quy mô 67.882 con heo, sản lượng khoảng 14.339 tấn. Hiện có 1.045 con bò sữa tại Trang trại Bò sữa Vinamilk Lâm Đồng được chứng nhận sản phẩm Organic.
Hiệu quả từ các chương trình, đề án
Cùng với Lâm Đồng, Gia Lai có hơn 845.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây là điểm mạnh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo chuỗi liên kết, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm.
Đến nay, tỉnh đã thu hút được 327 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, nhiều dự án rất thành công khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông sản. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và nhiều dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, như Dự án Phát triển rau quả của Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Dự án chăn nuôi của THAGRICO tại huyện Chư Prông, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công xây dựng tổ hợp chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Chư Pưh.
Gia Lai đã hình thành được 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích hơn 3.489 ha, gồm 14 vùng trồng cây ăn quả; 1 vùng trồng hồ tiêu giống và thương phẩm; 1 vùng trồng cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn Organic; 1 vùng sản xuất giống rau và hoa; 1 vùng sản xuất dược liệu. Ngoài ra, toàn tỉnh Gia Lai có 227.176 ha cây trồng các loại sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (46.307 ha có chứng nhận).
Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 1.500 ha, dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao quy mô từ 500 ha trở lên, hình thành 2-3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 328 ha với tổng vốn đầu tư 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm 15-20%, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 350 triệu đồng/năm.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Nhờ vậy đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đảm bảo chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn được cấp chứng nhận của các tổ chức giám sát, đánh giá độc lập để vào được các thị trường khó tính. Đây là tiền đề cho ngành nông nghiệp có những bước đi vững chắc.
Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Gia Lai trong những năm tới. Do đó, tỉnh Gia Lai cần định hình, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo một hình thái mới, hiện đại hơn, bền vững hơn; tập trung quy hoạch lại ngành nông - lâm nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất hàng năm, định kỳ, phân kỳ. “Nếu làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thu hút nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao”, ông Nghĩa cho hay.
Còn tại Lâm Đồng, để hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 772/QĐUBND ngày 11/4/2016 và Quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án Phát triển bò thịt cao sản và Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020.
Tổng kinh phí thực hiện 2 đề án trên là hơn 12,3 tỷ đồng, trong đó tập trung xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa như hỗ trợ xây dựng 10 mô hình cơ giới hóa chăn nuôi bò sữa, tập trung hỗ trợ máy trộn thức ăn, máy liên hợp phục vụ trồng, chế biến thức ăn thô xanh cho các hộ có quy mô từ 20 con bò sữa trở lên.
Các mô hình đang hoạt động hiệu quả và 10 mô hình chăn nuôi bò thịt cao sản (10 con bò cái lai/mô hình) giống Red Angus và BBB thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển đàn bò thịt cao sản và nhân rộng tại các huyện Cát Tiên, Lâm Hà và Đức Trọng.
Để thực hiện tốt chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, Lâm Đồng xác định đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đồng thời đề ra một số giải pháp, như huy động đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gồm nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn trong dân cư, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ, vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Israel...
Đặc biệt, Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng được triển khai thực hiện theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào ứng dụng trong nền kinh tế nông nghiệp, làm tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.