TIN LIÊN QUAN | |
9 tháng, nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng cao | |
3 ví dụ về cách “cổ điển” giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc | |
Kịch bản nào tránh lệ thuộc vào quốc gia 1,4 tỷ dân? |
Trong bài viết của mình trên tờ TBKTSG, TS. Nguyễn Đình Bích, một chuyên gia về lúa gạo đã chỉ ra sự đáng ngại trong việc xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.
Hai động thái lạ
Theo đó ông Bích cho rằng: có hai động thái đặc biệt đáng lưu ý. Thứ nhất, thay vì tăng rất mạnh trong những năm gần đây, xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản từ năm 2013 đến nay đã giảm ngày càng mạnh.
Các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu của nước ta sang thị trường Trung Quốc trong bốn năm 2008-2011 tăng đều tương ứng 21,2%; 27,1%; 47,3% và 50,4%, còn năm 2012 vẫn tăng 16,8%, năm 2013 chỉ còn tăng 2,2%, nhưng năm tháng đầu năm nay đã giảm 2,5% và ba tháng gần đây đã giảm kỷ lục 4%.
"Đây chính là lý do đặc biệt quan trọng khiến nhịp tăng xuất khẩu nói chung sang thị trường này trong ba tháng qua chỉ còn 4,3%, trong khi xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung vẫn tăng 12,1%", TS. Nguyễn Đình Bích viết.
Thứ hai, trong khi xuất khẩu trì trệ thì nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc lại vẫn tăng rất mạnh, cho nên tỷ lệ nhập siêu cao ngất ngưởng, cho dù nền kinh tế đang chuyển sang xuất siêu.
Các số liệu thống kê cho thấy, cho dù nhập khẩu 14 mặt hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và vật tư nông nghiệp chủ yếu trong ba tháng qua cũng đã giảm 4%, cho nên chúng ta vẫn duy trì được mức xuất siêu tương đối khá ở các nhóm hàng này đối với thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm các mặt hàng còn lại (ngoài 14 mặt hàng nói trên) từ thị trường này đã lên tới gần 10,2 tỉ USD, tăng tới 13,4%, cao hơn rất nhiều so với nhịp tăng 8,5% trong xuất khẩu, cho nên kim ngạch nhập siêu nhóm các mặt hàng này với thị trường Trung Quốc đã lên tới hơn 7,6 tỉ USD, đạt tỷ lệ “siêu cao” 300,3%.
Tất cả những điều nói trên cũng có nghĩa là, nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp từ thị trường Trung Quốc đang tăng bùng nổ.
Phụ thuộc Trung Quốc khiến nhiều phen doanh nghiệp và nông dân Việt Nam điêu đứng |
Hai động thái ngược chiều nói trên cộng hưởng với nhau dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc tăng lên.
Như vậy, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm nay sẽ chạm ngưỡng 15 tỉ USD, còn nhập khẩu gần như chắc chắn sẽ vượt qua ngưỡng 40 tỉ USD, cho nên nhập siêu từ thị trường này sẽ vượt xa ngưỡng 25 tỉ USD.
"Như vậy, mong muốn cải thiện cán cân thương mại để bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc rộ lên ở thời điểm biển Đông dậy sóng hồi tháng 5/2014 vẫn chỉ là “ý chí”, còn thực tế buôn bán với thị trường này vẫn theo guồng quay vốn đã được hình thành trong hơn một thập kỷ trở lại đây theo hướng chúng ta ngày càng thất thế hơn", TS Bích lo ngại.
Phụ thuộc Trung Quốc, DN gặp khó
Có thể thấy rõ thời gian qua ngành nông nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cho nên khi gặp "sự cố" những mặt hàng này đã phải trả giá.
Điển hình như gạo và cao su. Sau 6 tháng đầu năm 2014, cao su giảm mạnh nhất với mức giảm 33% về giá trị và giảm 11,7% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái; còn ngành hàng sắn và sản phẩm từ sắn với tổng sản lượng 6 tháng đầu năm chỉ đạt chưa đầy 1,8 triệu tấn giảm 13% về khối lượng và giảm 12,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.
Cũng nằm trong nhóm mặt hàng bị 'gặp khó' sắn Việt Nam đang rơi vào tình trạng bị "ế" do TQ giảm thu mua.
Theo ông Phạm Vũ Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2014 tổng lượng sắn lát tồn kho của VN vào khoảng hơn 300.000 tấn. Tinh bột sắn là 150.000 tấn.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam cho biết, Trung Quốc chiếm hơn 40% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, 60% thị trường xuất khẩu cao su, 70% thị trường xuất khẩu thanh long... Theo đó, khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ họ sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết.
Chuyên gia nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra rằng, trong khi Chính phủ Thái Lan đành chịu lỗ và để nông dân được lời, Việt Nam lại không quan tâm và hoàn toàn để Tổng công ty Lương thực và Hiệp hội Lương thực Việt Nam thao túng.
"Vì chủ trương xuất khẩu gạo giá rẻ nên tất cả mọi người làm giá rẻ, những người làm gạo chất lượng cao giá tốt sẽ bị ra rìa hoặc tước đi quyền nọ, quyền kia. Nhà nước tập trung sản xuất gạo giá rẻ, xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi Trung Quốc không mua, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại chới với", ông Xuân nói.
Không chỉ có nông nghiệp, doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày tỏ ra e ngại khi quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Theo số liệu cập nhật của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm chiếm tới 32,53% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này là 2,73 tỷ USD.
Trong khi đó Hiệp định TPP có khả năng sẽ được ký kết vào năm 2014. Lúc này buộc các doanh nghiệp phải tuân theo nguyên tắc nguồn gốc sợi vải nếu như họ muốn được hưởng lợi từ ưu đãi về thuế của TPP.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tự sản xuất nguyên phụ liệu, ngoại trừ các sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài.
Thế nhưng Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: hiện ngành may chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu bông và 1/8 nhu cầu vải. Bên cạnh đó, ngành chỉ cung cấp được 140.000 tấn sợi chất lượng thấp và trung bình mỗi năm. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, ngành dệt may chỉ có thể đáp ứng được 48% nhu cầu nguyên phụ liệu nội địa trong năm nay.
Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Garmex Sài Gòn: năng lực về vốn cũng như kinh nghiệm trong ngành dệt, nhuộm của các doanh nghiệp trong nước còn yếu nên khó có thể đầu tư trong lĩnh vực này. Vì vậy, nguy cơ ngành dệt may trong nước phụ thuộc về nguyên liệu vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là rất lớn.
Và điều đó có nghĩa mọi cố gắng của DN Việt Nam cùng với nhân công lao động giá rẻ cũng chỉ là làm thuê và gia công mà thôi.
Trung Nguyên lường trước rủi ro ở thị trường Trung Quốc () Mặc dù rất xem trọng thị trường Trung Quốc nhưng Trung Nguyên luôn chủ động mở rộng các thị trường có sự phát triển tương đồng khác để ứng phó với những rủi ro khi giao thương với với thị trường này. |
Doanh nghiệp Nhật muốn rời Thái Lan, Trung Quốc sang Việt Nam Nếu chịu đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ nhiều hơn nữa, dòng vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam sẽ còn tăng cao vì thị trường Trung Quốc, Thái Lan hiện kém hấp dẫn, theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành JETRO. |
Phương Nguyên (Đất Việt)