Đầu tư
“Nóng” quy định thu hồi dự án đầu tư
Hồng Sơn - 23/05/2015 09:27
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý cho “Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức giữa tuần này tại TP.HCM, vấn đề “nóng” nhận được nhiều ý kiến là các quy định về việc tạm ngừng thực hiện dự án đầu tư, thu hồi dự án.

Ông Hồ Xuân Thắng, đại diện của Trường Đại học Sài Gòn (SGU) nhận xét, quy định về  tạm ngừng thực hiện dự án đầu tư (tại Điều 43 của Dự thảo Nghị định) rất dễ bị nhà đầu tư lợi dụng nhằm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ông Thắng nêu dẫn chứng, quy định “Nhà đầu tư tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án gửi thông báo đến cơ quan đăng ký đầu tư” là rất đơn giản, nhưng thiếu tính chặt chẽ của quy định pháp luật dẫn đến việc quản lý đầu tư không hiệu quả trong thực tiễn.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, nhà đầu tư về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư

 

“Tức là chẳng biết dự án ngừng thực hiện bao lâu thì nhà đầu tư có nghĩa vụ phải thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư”, ông Thắng nói và nêu câu hỏi, nếu họ không thông báo, thì pháp luật sẽ xử lý như thế nào với trường hợp ngừng hoặc giãn tiến độ?

Đối với việc thu hồi dự án đầu tư, ông Trần Hải Đức, đại diện Hội Chất lượng TP.HCM cho rằng, quy định về việc bồi thường đối với các dự án bị thu hồi còn chưa cụ thể, thiếu căn cứ chặt chẽ. Ông Đức nêu hiện tượng, ở nhiều nơi, việc ra quyết định thu hồi dự án còn khá tùy tiện, thiếu cơ sở xác đáng và nhiều nhà đầu tư lo ngại việc thu hồi dự án có thể liên quan đến “lợi ích nhóm” tại địa phương.

Cũng theo ông Đức, theo quy định của Dự thảo Nghị định, việc bồi thường khi thu hồi dự án chưa nêu rõ là phải theo giá thị trường. “Việc bồi thường khi thu hồi đất phải theo giá thị trường và minh bạch, sòng phẳng với nhà đầu tư”, ông Đức đề nghị phải xem xét thật kỹ, chi tiết việc thu hồi đất dự án, những nơi thật sự cần thiết mới nên thu hồi và nên thực hiện đồng bộ với các quy định tại Luật Đất đai.

Liên quan đến quy định thanh lý dự án đầu tư sau khi dự án bị thu hồi, luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư VNC cho rằng, quy định này vẫn chưa giải quyết triệt để khi lặp lại Khoản 3, Điều 48 của Luật Đầu tư: “Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động”.

Theo luật sư Sơn, trong trường hợp nhà đầu tư cố ý kéo dài không thanh lý tài sản bằng cách đưa ra giá cao hơn giá trị thực, thì Nhà nước vẫn chưa có chế tài cụ thể. “Cần có biện pháp mạnh hơn so với quy định mà Dự thảo Nghị định đã nêu, chẳng hạn quy định trong một thời hạn 12 tháng, nếu nhà đầu tư không tự thanh lý tài sản, thì cơ quan nhà nước sẽ định giá và tổ chức đấu giá, thanh lý tài sản để chuyển giao cho nhà đầu tư khác”, ông Sơn đề xuất, nhưng cũng lưu ý rằng, tốt nhất nên xử lý bằng biện pháp tư pháp, hạn chế biện pháp hành chính dễ bị khiếu nại kéo dài, gây tốn kém cho nhà đầu tư và Nhà nước.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, hầu hết các ý kiến đã thống nhất về tư tưởng đổi mới, cách tiếp cận và nội dung của Dự thảo Nghị định, nhất là, việc bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư thay bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. “Việc đưa ra quy định 3 bước, đó là chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư không phải là tạo ra gánh nặng về thủ tục, làm tăng chi phí cho nhà đầu tư nước ngoài. Bởi, theo quy định mới, sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, chỉ sau 5 ngày, doanh nghiệp được tự động cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mà không cần phải bổ sung hồ sơ…”, ông Hùng giải thích.

Cũng theo ông Hùng, một số ý kiến của nhà đầu tư, như lo ngại tình trạng thu hồi dự án đầu tư bừa bãi, thiếu cân nhắc hay việc nhà đầu tư nước ngoài phải nộp bản gốc bằng tiếng nước ngoài… đã có những sự điều chỉnh. Cụ thể, có những quy định cụ thể, chi tiết và khả thi hơn để ngăn chặn tình trạng thu hồi dự án bừa bãi tại địa phương. Tuy nhiên, thay mặt Tổ soạn thảo, ông Hùng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công ty luật… tiếp tục có những ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, nhất là vấn đề kết hợp thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thủ tục về đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác