Tiêu dùng
Nông sản chủ lực kỳ vọng “mùa vàng” cuối năm
Thế Hải - 22/10/2023 16:34
Thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, cao su… là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đang có nhiều lợi thế tăng tốc xuất khẩu và được đặt nhiều kỳ vọng trong chặng đường cuối năm.

Đơn hàng nhiều hơn

Với mục tiêu cán đích xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD trong năm 2023, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng thế mạnh để bứt phá ở giai đoạn cuối năm.

Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đang có nhiều lợi thế tăng tốc xuất khẩu là thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều… Đều nằm trong “câu lạc bộ” xuất khẩu tỷ USD, nên các mặt hàng này tăng tốc sẽ góp phần cải thiện đáng kể kết quả xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp năm 2023.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong tháng 9/2023 khá khả quan, mang về 4,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Do các tháng đầu năm, xuất khẩu giảm sâu, nên tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản mới đạt 38,48 tỷ USD, vẫn giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý IV hằng năm là “mùa vàng” cho kinh doanh xuất khẩu, nên doanh nghiệp thuộc các ngành hàng đang tận dụng tối đa khoảng thời gian này để chốt đơn hàng, đẩy nhanh sản xuất, giao hàng đúng hẹn.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể coi đây là một sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại toàn cầu, lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi.

Báo cáo “Vietnam At A Glance: Ánh sáng cuối đường hầm” của HSBC

Gạo, rau quả và cà phê là 3 ngành hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao của ngành nông nghiệp, đã mang về doanh thu hơn 10 tỷ USD qua 9 tháng. Trong đó, rau quả lần đầu cán mốc 4,2 tỷ USD; gạo cũng vượt kết quả xuất khẩu năm ngoái, thu về 3,65 tỷ USD. Với giá xuất khẩu giữ ở mức cao như hiện nay, dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ mang về khoảng 5 tỷ USD, dù sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết: “Dự kiến năm 2023, ngành gạo xuất khẩu tối đa được khoảng 7,4 - 7,5 triệu tấn, tăng hơn mức 7,1 triệu tấn của năm 2022. Giá xuất khẩu tăng cao do đặc điểm của thị trường gạo toàn cầu biến động trước việc các quốc gia lớn siết chặt xuất khẩu (Ấn Độ, Nga, UAE), nên doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chớp được thời cơ”.

Động thái mới nhất, Indonesia vừa công bố mua thêm 1,5 triệu tấn gạo để dự trữ cho năm 2023. Giám đốc chuỗi cung ứng và các dịch vụ công nước này, ông Mokhamad Suyamto khẳng định, Indonesia sẽ nhập 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Hiện, tất cả các giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu số gạo này đã được các cơ quan hữu quan Indonesia ban hành và việc nhập khẩu sẽ được thực hiện sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 10/2023.

Ngoài ra,  rau quả, cà phê cũng đang tận dụng tốt nhu cầu  tăng cao tại Trung Quốc và châu Âu, Mỹ. Theo tính toán, rau quả có thể mang về 5,5 tỷ USD trong năm nay, còn kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ bằng hoặc tăng nhẹ so với mốc hơn 4 tỷ USD của năm ngoái.

Chủ động tìm thị trường, khách hàng mới

Năm 2023, thị trường toàn cầu giảm sức mua do kinh tế khó khăn, nhưng doanh nghiệp Việt rất nỗ lực thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và khách hàng mới.

Mới đây, 80 doanh nghiệp nông sản thực phẩm trong nước đã dự Hội chợ thường niên quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống lớn nhất thế giới tại Đức, quy tụ 7.800 doanh nghiệp từ 118 quốc gia.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, xuất khẩu rau quả của Doveco vẫn ổn định sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc… với mức tăng 30 - 40%, tập trung vào các sản phẩm chế biến như chanh leo, dứa, các loại rau quả, ngô ngọt, đậu tương, rau chân vịt, xoài... “Việc tham dự các chương trình xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng tiêu dùng mới và chủ động thích ứng, sản xuất hàng hóa đáp ứng từng phân khúc khách hàng tại từng thị trường”, ông Khuê chia sẻ.

Báo cáo “Vietnam At A Glance: Ánh sáng cuối đường hầm” vừa được Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC đưa ra ghi nhận những dấu hiệu tích cực của hoạt động sản xuất và thương mại của Việt Nam.

Theo HSBC, xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại, trong khi thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc đạt mức tăng trưởng dương 2,1% sau 9 tháng với kim ngạch 42,2 tỷ USD, phần lớn nhờ vào mức tăng trưởng ấn tượng của các mặt hàng nông sản.

Thời gian qua, hầu hết các loại nông sản chính của Việt Nam như gạo, trái cây, cao su… đều xuất khẩu rất tốt sang Trung Quốc.

Đánh giá chung, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, từ đầu quý III/2023, hoạt động xuất khẩu đã có khởi sắc. Hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Mỹ, 6 tháng đầu năm tồn kho 20%, nhưng đến tháng 8 chỉ còn 10%, dự báo cuối năm 2023 có thể về 0%. Đây là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Với thị trường châu Âu, đà giảm xuất khẩu cũng đã chậm lại. Nếu 7 tháng của năm 2023, xuất khẩu sang EU đạt 25 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ, thì hết tháng 9, mức giảm chỉ còn 8,2%.

Tin liên quan
Tin khác