Hôm nay (30/1), tại Hà Nội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Ibaraki, Nhật Bản đã có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm "kênh" phân phối sản phẩm của mình. Buổi kết nối đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực phân phối, tiêu thụ sản phẩm cũng như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp hàng đầu Nhật Bản, chỉ sau khu vực Kaido, chính quyền tỉnh Ibaraki đã chủ động tổ chức buổi kết nối doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại địa phương mở rộng hoạt động thương mại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn tại buổi kết nối, ông Shinichi Watahiki, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thương mại, công nghiệp và du lịch, tỉnh Ibaraki cho biết, đến Việt Nam lần này, các doanh nghiệp của tỉnh mang theo hàng chục sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, trong đó có rất nhiều sản phẩm được người Việt ưa thích như trà xanh, đậu tương, dưa gang, táo, lê, thịt bò Hitachi, bạch tuộc, các loại đồ uống cổ truyền...
“Mục đích của chuyến sang Việt Nam lần này là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình đồng thời tìm kiếm các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng kênh phân phối tại Việt Nam”, ông Shinichi Watahiki tiết lộ.
Trong thời gian gần đây, ngoài các cuộc “đi săn” riêng lẻ giữa doanh nghiệp 2 nước nhằm tìm kiếm đối tác phù hợp thì các cuộc xúc tiến ở quy mô lớn hơn như thế này xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản đang có sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam, nhất là khi nền kinh tế và tầng lớp trung lưu đang có sự tăng trưởng tốt.
Hiện tại, thị trường Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều kênh bán lẻ của Nhật Bản như Aeon, 7-Eleven… tuy nhiên, các chuỗi cửa hàng này chỉ mới xuất hiện ở các thành phố lớn. Việc chủ động tìm kiếm các kênh phân phối thông qua các doanh nghiệp Việt để quảng bá tới tay người tiêu dùng trên cả nước đang cho thấy quyết tâm đánh chiếm thị trường của các doanh nghiệp Nhật.
Thậm chí, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư hình thành một loạt các cơ sở nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản để tiêu thụ ngay tại Việt Nam hoặc xuất ngược thành phẩm về nước. Với tỉnh Ibaraki, hiện cũng đã có hơn 20 doanh nghiệp thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp công nghệ cao vẫn là lĩnh vực chủ lực.
Đánh giá về việc tổ chức những buổi tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp 2 nước, ông Shinichi Watahiki nhìn nhận, đây là việc làm hết sức cần thiết để doanh nghiệp hai bên có thể trao đổi thông tin, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam cũng như ngược lại.
“Doanh nghiệp Nhật không chỉ quan tâm đến việc phân phối sản phẩm của mình mà cũng sẵn sàng làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản. Việc phổ biến thông tin về sản phẩm Việt Nam với khách hàng Nhật Bản hiện cũng đã dễ dàng hơn nhờ vào lực lượng đông đảo các doanh nghiệp Nhật Bản hiện sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”, ông Watahiki nói.
Điều này càng được khẳng định khi đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia buổi kết nối cho biết, với kinh nghiệm của quốc gia đi trước, họ sẵn sàng chuyển giao công nghệ nuôi, trồng, chế biến… trong lĩnh vực nông nghiệp cho các đối tác Việt Nam, hoặc hợp tác sản xuất, để có thể đưa sản phẩm qua thị trường Nhật.
Nông nghiệp công nghệ cao đang là lĩnh vực được Chính phủ tập trung tạo điều kiện thuận lợi phát triển. Hiện Việt Nam và Nhật Bản vẫn tổ chức đối thoại thường niên nhằm mục đích xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp. Những buổi đối thoại hợp tác nông nghiệp hiện được xem là một trong những hoạt động thực hiện tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam- Nhật Bản.