Được mùa, được giá
Từ đầu năm 2021 đến nay, nông dân trồng lúa phấn khởi trước vụ mùa bội thu cả sản lượng và giá. Bán hơn 700 tấn lúa Đài Thơm 8 vừa thu hoạch với giá 6.900 đồng/kg tại ruộng, ông Nguyễn Công Lý (Cao Lãnh, Đồng Tháp) hồ hởi cho biết: “Giá lúa tăng 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 10 năm qua. Nếu duy trì được mức này, nông dân sẽ khá lên từ cây lúa”.
Tháng 1/2021, giá lúa, gạo đều ở mức cao. Nhóm lúa dành cho chế biến như IR50404 có giá bán 6.500 - 6.800 đồng/kg, nhóm lúa chất lượng cao giá 6.800 - 7.300 đồng/kg, nhóm lúa đặc sản (như giống ST) đạt 7.500 đồng/kg trở lên. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu rất cao, đạt 551,7 USD/tấn, tăng đến 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Không chỉ lúa gạo, tháng 1/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 400.000 tấn, trị giá 144 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với tháng 12/2020.
Sau nhiều tháng giá thu mua ở mức thấp, những ngày đầu Xuân Tân Sửu, giá thanh long xuất khẩu tại Bình Thuận bật tăng gần 4 lần. Thanh long xuất khẩu được nhiều thương lái hỏi mua với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg.
Các mặt hàng thủy sản cũng bứt tốc ngay từ đầu năm. Tại Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau..., tôm thẻ chân trắng size 20 con được thu mua với giá khoảng 200.000 đồng/kg, size 30 con giá 150.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao so với nhiều năm trở lại đây.
Với cá tra, trong dịp Tết Tân Sửu, riêng Tập đoàn Nam Việt đã xuất khẩu hơn 200 tấn tới nhiều thị trường.
Mở rộng thị trường, ưu tiên chất lượng
Mặc dù các mặt hàng nông sản được mùa, được giá ngay từ đầu năm, nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố không bền vững. Đơn cử, theo ông Võ Công Thức: “Thời điểm này, giá lúa đang cao, người bán sẽ lợi, nhưng người mua sẽ gặp rủi ro. Vì thế, khách hàng nước ngoài cũng thận trọng, ngừng ký hợp đồng mới”.
Trong khi đó, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, giá thanh long tăng vọt là do các cơ sở thu mua đẩy mạnh hoạt động dịp đầu năm mới và nguồn cung lứa thanh long trái vụ hạn chế. Giá thanh long có thể sẽ biến động khi hoạt động thu mua đi vào ổn định.
Với xuất khẩu tôm, ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam phân tích, việc xuất khẩu tôm “được mùa” khiến nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp giảm mạnh, không thể bù đắp kịp do mùa vụ tôm sắp kết thúc. Giá tôm nguyên liệu tăng cao sẽ khiến những doanh nghiệp không có hàng dự trữ để cung ứng theo hợp đồng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu năm 2021 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro do đại dịch Covid-19 và biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh khác...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, xuất khẩu nông sản năm 2021 được dự báo có nhiều triển vọng tích cực nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường.
Hơn nữa, sau thời gian bị trì hoãn bởi dịch bệnh, năm 2021 sẽ chứng kiến sự dịch chuyển luồng đầu tư của các doanh nghiệp FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng ưu đãi từ các FTA.
“Sau 1 năm chống chọi với đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam đã tái cấu trúc, nâng cao khả năng ứng phó trước những biến động của thương mại thế giới, phù hợp với độ mở lớn của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Khi năng lực của cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực và bền vững hơn”, ông Toản nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để vượt qua khó khăn do Covid-19, trước hết, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ các FTA để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Những quy định của FTA rất phức tạp, nên không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước, mà nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội cũng cần phải hiểu rõ.
“Có những quy định chỉ nhà nông mới đáp ứng được như vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đánh bắt thủy sản ngoài khơi hợp pháp… Do vậy, nhà nông phải hiểu cặn kẽ và tuân thủ quy định của các FTA, thì các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam mới duy trì được vị trí trên bản đồ xuất khẩu thế giới”, ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia này, Chính phủ cần rà soát tổng thể các FTA Việt Nam đã và đang ký kết, thực thi để tránh sự chồng chéo, qua đó hoạch định chính sách ngoại thương nhằm sớm đề phòng hàng hóa xuất khẩu có thể bị “trói chân” bởi những quy định của FTA. Các hiệp hội, doanh nghiệp, nông dân, cơ quan quản lý nhà nước cần gắn kết mạnh hơn để định hình rõ thị trường và tổ chức sản phẩm hệ thống, bài bản.
Về thị trường, bên cạnh việc tập trung vào các thị trường “khó tính” trong các FTA đã ký kết, ông Hiếu nhấn mạnh, cần phải mở rộng thị trường hơn nữa để khi thị trường này gặp khó khăn, thì vẫn có thị trường khác để bán hàng.