Nông sản Việt đảm bảo an toàn thực phẩm đã ghi điểm với người tiêu dùng trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu. |
Kiểm soát an toàn thực phẩm
Thông tin từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm tổ chức mới đây cho thấy, trong 3 năm qua, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đã có sự thay đổi cơ bản. Diện tích nuôi trồng hữu cơ tăng; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư cơ sở giết mổ sạch, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với nhiều thị trường lớn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, so sánh năm 2019 với năm 2016, số cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP tăng 41% về cơ sở trồng trọt, 127% về diện tích, gần 70% về cơ sở chăn nuôi, 210% về cơ sở nuôi trồng thủy sản; chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tăng mạnh.
Ngành nông nghiệp đã xử lý được các vấn đề nóng gây bức xúc như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Các sự việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không an toàn đã giảm mạnh cả về số lượng, mức độ. Từ đầu năm 2017, đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm salbutamol; tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%).
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 41 tỷ USD. Nhiều nông sản Việt đã vượt được hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.
Dẫu vậy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều thách thức bởi chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ với trên 8 triệu hộ nông dân, đưa đến nhiều nguy cơ mất an toàn do điều kiện sản xuất, chế biến không đồng nhất, nhất là khi người dân vẫn giữ thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi
Có thể thấy, sự phát triển ấn tượng của sản xuất nông nghiệp trong năm 2019 nhìn ở kết quả xuất khẩu 41 tỷ USD là rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần sớm khắc phục để nông sản Việt ghi điểm ở những thị trường xuất khẩu lớn. Đó là nhanh chóng thay đổi mô hình sản xuất, giảm bớt đầu mối và hình thành chuỗi sản xuất nông sản đủ lớn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Bài toán lớn hiện nay là quy hoạch các vùng sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm an toàn, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến...”.
Theo đó, tập trung sản xuất theo chuỗi, giám sát chặt chẽ ngay từ đầu và đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm sạch hơn là mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp hiện nay. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, sản xuất theo chuỗi và quy mô lớn sẽ hạn chế được những độc hại, đảm bảo sản xuất sạch, kiểm soát được việc dùng nhiều hóa chất...
Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 -3%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ USD. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước bối cảnh và yêu cầu mới, định hướng tổng thể phát triển ngành nông nghiệp là tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nhóm sản phẩm chủ lực.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực (về vốn, khoa học công nghệ, thị trường) để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành. Đồng thời, sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các công ty, tập đoàn lớn, có sức cạnh tranh cao về chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ nông sản tại chỗ.
Việc tổ chức sản xuất tốt không chỉ giúp tăng nhanh giá trị xuất khẩu bền vững, mà ngay tại thị trường trong nước, người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm nông sản an toàn, giảm thiểu các vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.