Tính bổ sung trong danh mục các mặt hàng nông sản của Việt Nam với EU rất lớn, Việt Nam có cơ hội cung cấp các loại rau củ nhiệt đới, mà EU có nhu cầu cao, hàng hóa không bị cạnh tranh trực tiếp. |
Lợi thế cho nông sản nhiệt đới
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hiệu lực từ 1/8/2020, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt trong đó có nông sản vào thị trường này.
Là thị trường chất lượng cao với những tiêu chuẩn khắt khe về các loại nông sản, với những cam kết trong hiệp định, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang EU sẽ có lộ trình giảm thuế quan về 0% trong, có sản phẩm từ 5 – 7 năm.
Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU thông tin, EVFTA đi vào thực thi, nhiều mặt hàng nông sản của nước ta sẽ có rất nhiều lợi thế về tăng xuất khẩu, tăng được tính cạnh tranh nhờ giảm thuế, từ đó tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ngày càng chuyên nghiệp hơn.
“Tính bổ sung trong danh mục các mặt hàng nông sản của Việt Nam với EU rất lớn, Việt Nam cung cấp các loại rau củ nhiệt đới, mà EU có nhu cầu cao, hàng hóa không bị cạnh tranh trực tiếp. Vấn đề còn lại chỉ là làm thế nào đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường nước bạn đặt ra”, ông Công cho biết.
Theo phân tích của các chuyên gia thương mại, lĩnh vực nông sản được đánh giá là lợi thế nhiều nhất từ EVFTA. Hiện nay Việt Nạm là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai sau Hoa Kỳ vào thị trường EU. Doanh nghiệp Việt đang có lợi thế cam kết thuế cũng như các lợi thế khác mà EVFTA mang lại.
Số liệu được Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU cung cấp, thị trường này hiện nhập khẩu 150 tỷ Euro hàng nông sản mỗi năm, trong khi đó Việt Nam mới xuất khẩu 4,5 tỷ Euro. Cụ thể, với thủy sản, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này rất lớn với tổng thương mại mỗi năm 60 tỷ euro, còn Việt Nam mới xuất vào EU 1,13 tỷ Euro, giàm 11,9% so với 2018.
Hạt điều cũng là mặt hàng xuất khẩu có thể khai thác tốt cơ hội xuất khẩu tại EU, khi kim ngạch xuất khẩu năm 2019 sang EU đạt hơn 700 triệu Euro. Với quy mô xuất khẩu trên 3,3 tỷ USD/năm, mà EU là thị trường lớn thứ 2, sau Mỹ, các DN sẽ sớm đưa EU thành thị trường tỷ USD trong một thời gian không xa và hưởng ưu đãi nhờ việc chuẩn bị nguyên liệu theo quy định đặt ra trong Hiệp định này.
Với hàng rau quả cũng vậy. EU mỗi năm nhập 35 tỷ Euro, trong khi rau củ quả mà nước ta xuất sang EU mới có 130 triệu Euro. Mức này còn quá nhỏ so với nhu cầu của EU. Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam vào EU tăng rất mạnh, bình quân mỗi năm khoảng 25%. Nên khi EVFTA có hiệu lực thì mặt nhóm hàng này có thuận lợi rất lớn để xuất khẩu vào thị trường EU.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Những doanh nghiệp đang có khách hàng xuất khẩu chính sang EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc như Vina T&T Group được cho có nhiều lợi thế hơn cả khi EVFTA đi vào thực thi. Lợi thế là bởi từ nhiều năm nay, DN đã tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát vùng trồng, đến các khâu sản xuất trong chuỗi nhằm đáp ứng quy định truy xuất nguồn gốc xuất xứ từ khách hàng nhập khẩu cũng như các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các chất cấm trong nông nghiệp....
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cho hay: "Chúng tôi đã sẵn sàng với EVFTA từ trước cả thời điểm hiệp định này đi vào hiệu lực. Bởi, chỉ có tổ chức sản xuất đúng chuẩn, đáp ứng mọi tiêu chuẩn ngặt ngèo nhất từ các nhà nhập khẩu khó tính tại Mỹ, Úc..., nông sản Việt mới có thể đi xa và đi theo cách bền vững nhất, đó là xuất khẩu hàng chất lượng để có giá tốt.
"EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu sản phẩm rau củ quả của Việt Nam vào châu Âu sẽ giảm về 0%. Tôi cho rằng đây là lợi thế lớn nhất mà ngành rau củ quả có được trong hiệp định này, khiến mặt hàng nông sản của Việt Nam có thể cạnh tranh trực tiếp với các nước khác ngoài EVFTA, cụ thể là Thái Lan. Ngoài ra Tập đoàn còn xây dựng những chứng chỉ xã hội, môi trường… Nói chung, nhiều rào cản kỹ thuật căn bản mà phía châu Âu đề ra, chúng tôi đều đã đáp ứng”, ông Tùng cho biết.
Để tận dụng tốt các FTA mà Việt Nam đã tham gia, như CPTPP, KVFTA hay mới nhất là EVFTA, Tập đoàn Vina T&T cũng có chiến lược đầu tư để tăng độ phủ hàng hóa xuất khẩu. Hiện Tập đoàn đang xây dựng nhà máy sơ chế đạt chuẩn HACCP, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu 500 hecta tại Vĩnh Long và Đồng Tháp để trồng xoài, nhãn và một số loại trái cây khác phục vụ cho xuất khẩu.
Một nhà xuất khẩu lớn khác trong ngành rau quả là Công ty CP Nafoods Group đã kịp chuẩn bị năng lực cung ứng hàng hóa đạt tiêu chuẩn để chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính, trong đó có EU từ nhiều năm nay.
Thành lập năm 1995, Nafoods Group là một tập đoàn tiên phong trong phát triển chuỗi nông nghiệp xanh, bền vững, với thế mạnh cung cấp các sản phẩm cây giống, nước ép, trái cây đông lạnh, trái cây sấy dẻo và bơ điều, đã và đang xuất khẩu các sản phẩm tới hơn 60 quốc gia trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng về doanh thu lên tới hơn 42%/năm trong những năm gần đây.
Ngay trong thời điểm dịch bệnh khó khăn nhất, Nafoods Group đã "bắt tay" với Quỹ hợp tác Công nghiệp Phần Lan (Finnfund) với một thoả thuận hợp tác tài chính dưới hình thức khoản vay dài hạn có tài sản đảm bảo trị giá 5 triệu USD trong vòng 6 năm.
Ông Ryan Galloway, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc của Nafoods cho biết, với sự hỗ trợ của Finnfund, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh kế hoạch sản xuất, phát huy thế mạnh, và thực hiện sứ mệnh của doanh nghiệp trước nhu cầu thiết yếu của toàn cầu hiện nay.
Nafoods sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào hệ thống dây chuyền sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng tại nhà máy đặt ở tỉnh Long An, cụ thể với công suất 150 tấn/tháng cho các sản phẩm trái cây sấy dẻo có đường và không đường; và khoảng 150 tấn/tháng cho các sản phẩm điều tự nhiên và bơ điều, dự kiến triển khai trong hai giai đoạn: Giai đoạn 1 vào tháng 5/2020, và giai đoạn 2 vào cuối năm 2020.
Với các doanh nghiệp nhỏ, cơ hội sẽ không ít nếu như con đường đầu tư khai thác thị trường EU đúng cách. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết.
Bởi, thực thi EVFTA, EU cũng cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao). Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến: Chiếm 15%, thủy sản và chế biến từ thủy sản: 13%, sản phẩm khác: 13%.