Doanh nghiệp
Nông sản Việt tiến sâu vào Mỹ, doanh nghiệp Việt phải cam kết chất lượng
Hải Yến - 30/11/2021 18:05
Nông sản Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu sang Mỹ, nhưng để bám sâu tại đây, doanh nghiệp Việt cần cam kết chất lượng, đảm bảo độ đồng đều, ổn định trông mỗi lô hàng xuất khẩu.
Nông sản Việt xuất khẩu sang Mỹ đang chịu nhiều sức éo vì chi phí logistics tăng cao trong đại dịch.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Tthương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã nhắc đi nhắc lại trong Phiên tư vấn xuất khẩu nông sản, đồ gỗ sang Mỹ sáng 30/11/2021: "Doanh nghiệp Việt Nam xuất được nông sản sang Mỹ, bước đầu có được khách hàng nhưng chưa đủ, điều cần nhất là đảm bảo được độ đồng đều, ổn định trong mỗi lô hàng và cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng Mỹ".

Nâng cao chất lượng và cam kết chất lượng hàng hóa xuất khẩu là nội dung được khuyến cáo doanh nghiệp đã nhiều năm nay, nhưng doanh nghiệp vẫn mắc lỗi, ông Sơn nói.

"Chúng tôi thường xuyên nhận được thông tin phản hồi về những lô hàng nông sản không đảm bảo chất lượng. Mà nếu doanh nghiệp không khắc phục để tuân thủ, không cam kết chất lượng thì lâu dài các nhà nhập khẩu không còn dám đặt hàng doanh nghiệp Việt nữa".

Là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, với quy mô dân số 330 triệu USD, GDP năm 2020 đạt 20.900 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2021 đạt 4,9%, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng 2021 đạt gần 2.000 tỷ USD (Năm 2020, Mỹ nhập 2.300 tỷ USD hàng hóa), tăng cao so với dự báo hồi tháng 8 năm nay, Mỹ là thị trường được nhiều quốc gia xuất khẩu hướng đến trong đó có Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng với nhóm hàng nông sản, Mỹ đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng, với kim ngạch gần 11 tỷ USD, chiếm 27,9% thị phần, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, từ đầu năm đến nay, ngoại trừ gạo và cà phê là 2 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm, còn lại đều có tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó thủy sản tăng 24,1%, với 1,7 tỷ USD, rau quả đạt gần 184 triệu USD, tăng 34,8%, hạt điều gần 890 triệu USD, tăng 3,8%, hạt tiêu tăng 57,% so, đạt 188 triệu USD.

Thị trường Mỹ rộng lớn, với nhu cầu tiêu dùng nông sản nhiệt đới từ Việt Nam ngày càng gia tăng, nhưng thị trường này có tiêu chuẩn cao, yêu cầu doanh nghiệp phải làm ăn lâu dài, bài bản, đặt cam kết chất lượng lên hàng đầu.

Ông Sơn phân tích, thương mại song phương Việt - Mỹ đang ở giai đoạn thuận lợi nhất từ trước tới nay, bởi Chính phủ 2 nước đều tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, đầu tư. Thành thử, kể cả thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng Mỹ vẫn tăng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Tất nhiên, trong nhóm nông sản, những nhóm hàng kim ngạch lớn vẫn là đồ gỗ, thủy sản, nhóm gạo, cà phê, rau quả vẫn còn khiêm tốn, do đó, doanh nghiệp có nhiều cơ hội và nên tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Nhưng, thị trường rộng lớn, sức mua hàng hóa tăng cao nhưng doanh nghiệp Việt cũng đang đối mặt với không ít thách thức. 

"Khó khăn là lạm phát tại Mỹ đang tăng cao, đậc biệt với nhu yếu phẩm hàng hóa có mức tăng nhiều hơn cả, khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Mỹ cũng là thị trường yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, kèm theo các yếu tố kỹ thuật, môi trường và lao động chặt chẽ, vốn là những yếu tố không mới nhưng đang được làm mới, hệ thống tiêu chuẩn của Mỹ cũng khá phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải dày công nghiên cứu để đáp ứng, tuân thủ", ông Sơn lưu ý.

Phiên tư vấn xuất khẩu sang Mỹ do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Mỹ tổ chức sáng 30/11/2021 đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích tới các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và mong muốn xuất khẩu sang Mỹ.
Doanh nghiệp được khuyến cáo là nắm chắc quy định của thị trường đối với từng mặt hàng, cam kết chất lượng sản phẩm, cam kết sử dụng nguyên liệu được khai thác hợp pháp, chủ động lưu trữ dữ liệu để cung cấp khi được truy vấn, chủ động ứng phó các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, khoảng cách địa lý với nhóm hàng hóa nông sản luôn là một thách thức với doanh nghiệp Việt, cộng với chi phí logistics đắt đỏ vì dịch bệnh, khiến giá cả hàng hóa bị đội lên, khó cạnh tranh với nông sản của các quốc gia cùng xuất khẩu vào Mỹ.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm thương mại nông sản và logistics, bà Amy Nguyen, Nhà sáng lập, CEO, Công ty Dragonberry Produce, Mỹ chia sẻ: "Chúng tôi có thâm niên đưa thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn chục năm nay, nhưng mỗi năm đều có khó khăn mới, đòi hỏi phải học hỏi thêm để thích ứng.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu trái cây tươi qua Mỹ phải tính chuyện lâu dài, chứ không thể nóng vội khi làm ăn tại thị trường này".

Theo bà Amy Nguyen, đầu tiên  phải hiểu về quy định liên quan đến kiểm dịch động thực vật của Mỹ, hiểu về đất, côn trùng trên trái cây, thuốc bảo vệ thực vật dùng cho rau củ quả. Loại thuốc bảo vệ thực vật đó có thể bán được ở thị trường này nhưng lại không được Mỹ chấp thuận, phải bảo đảm được chất lượng trái cây đưa cả chặng đường dài đến Mỹ, nhanh nhất 10-14 ngày mới đến kệ bán cho người tiêu dùng".

"Ngươi Mỹ thích sự khác biệt, đòi hỏi chất lượng cao, đồng nhất, ổn định chất lượng là tiêu chí quan trọng.  Là sân chơi cạnh trah nhưng công bằng, có nhiều thị trường ngách cho doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có cơ hội kinh doanh  bình đẳng với quy định rõ ràng", bà Amy Nguyen cho hay.

Tin liên quan
Tin khác