Ông Bùi Khánh Toàn, Phó trưởng ban Ban quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) khẳng định, Bộ tiêu chí sẽ giúp cơ quan thuế phân loại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách thuế sẽ được cơ quan thuế tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quản lý thuế; doanh nghiệp chưa chấp hành chưa tốt chính sách thuế sẽ bị giám sát chặt chẽ trong quản lý thuế...
“Đây là cách thức quản lý rủi ro được áp dụng rộng rãi trên thế giới, nhằm tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, đồng thời cũng giảm khối lượng công việc cho cơ quan thuế. Cả nước hiện có khoảng 520.000 doanh nghiệp đang hoạt động, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ tăng gấp đôi. Chưa kể hoạt động của doanh nghiệp ngày càng mở rộng, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực… nên khối lượng công việc của ngành thuế sẽ tăng rất mạnh trong khi biên chế không thể tăng được, vì vậy, chỉ áp dụng quản lý theo rủi ro bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc xếp loại doanh nghiệp thông qua Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật về thuế mới có thể quản lý thuế hiệu quả, đồng thời cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính”, ông Toàn phát biểu.
Việc quản lý thuế sẽ được thực hiện trên cơ sở quản lý rủi ro |
Hiện tại, Tổng cục Thuế đang dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp với 10 nhóm tiêu chí khác nhau.
Cụ thể, theo Tiêu chí 1 và Tiêu chí 2, để được xếp loại tốt, doanh nghiệp ngoài việc thực hiện kê khai đầy đủ, đúng hạn đối với các loại thuế; nộp đầy đủ các loại thuế, đúng hạn theo kê khai, còn phải đáp ứng chỉ tiêu là có số thuế giá trị gia tăng nộp (GTGT)/vốn chủ sở hữu và doanh số lớn hơn mức trung bình so với doanh nghiệp cùng quy mô, cùng lĩnh vực đầu tư; có số thuế thu nhập doanh nghiệp của từng năm/vốn đăng ký và doanh số lớn hơn mức trung bình so với doanh nghiệp cùng quy mô cùng lĩnh vực.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cách xếp hạng doanh nghiệp dựa vào 2 tiêu chí này không phù hợp với thực tế vì thuế GTGT có 3 mức khác nhau là 0%, 5% và 10% (chưa kể một số loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT), nên cùng quy mô, cùng hoạt động trong một lĩnh vực, doanh nghiệp nộp thuế GTGT nhiều chưa chắc đã chấp hành tốt chính sách thuế bằng doanh nghiệp nộp thuế ít hơn. “Công ty cổ phần May 10 chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nên được hưởng thuế suất GTGT 0%, họ chấp hành rất tốt chính sách thuế, nhưng nếu căn cứ vào tiêu chí này thì May 10 sẽ trở thành doanh nghiệp chưa chấp hành tốt chính sách thuế”, bà Cúc ví dụ.
Với tiêu chí dựa vào số thuế nộp ngân sách nhà nước, bà Hà Tường Vy (Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam) cho rằng rất khó xếp loại doanh nghiệp. “Trên thực tế, doanh nghiệp nộp thuế nhiều chưa chắc đã chấp hành tốt chính sách thuế, ngược lại doanh nghiệp nộp thuế ít lại chấp hành tốt chính sách thuế vì quy mô vốn của mỗi doanh nghiệp khác nhau, kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khác nhau nên được hưởng các chính ưu đãi thuế khác nhau vì thế số thuế nộp ngân sách nhà nước khác nhau”, bà Vy minh chứng.