Doanh nghiệp
Nova Group chơi "canh bạc" sữa bột trẻ em
Anh Hoa - Hồng Sơn - 08/09/2015 08:22
Sau 23 năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản, cùng sự song hành của Kerry Group, Nova Group đã chính thức điền tên mình vào sân chơi của phân khúc sữa bột cho trẻ em.

Đứng trên vai người khổng lồ

Đó là cách nói ví von của ông Nguyễn Hiếu Liêm, Phó chủ tịch Nova Group, Chủ tịch Anova Milk khi quyết định bắt tay với Kerry Group (Ireland) đầu tư sản xuất sữa bột dành cho trẻ em - Anka Milk.

Mới đây, các sản phẩm đầu tiên của thương vụ hợp tác độc quyền này đã được tung ra thị trường với kỳ vọng sẽ chiếm 5% thị phần trong 3 năm đầu. Bước đi đầu tiên là sữa bột, sau đó sẽ là sữa nước, sữa chức năng…


Tại Việt Nam, sữa bột là mảng thị trường có sự cạnh tranh gay gắt, với sự hiện diện của hơn 300 thương hiệu

 

Cách đây 3 năm, Nova Group đã bắt tay vào thực hiện dự án sữa bột. Khi đó, tại thị trường Việt Nam, giá sữa biến động liên tục theo chiều hướng tăng. Các thương hiệu sữa ngoại ào ạt đổ vào Việt Nam với đủ chiêu thức quảng cáo khiến cho người tiêu dùng phân vân.

“Chúng tôi chọn sữa bột trẻ em vì đây là phân khúc sản phẩm có nhiều biến động và nhạy cảm nhất. Chúng tôi mong muốn tạo ra sản phẩm phù hợp nhất cho trẻ em Việt Nam”, ông Liêm lý giải về việc quyết định nhảy vào lĩnh vực sữa.

Song, giới phân tích đã cảnh báo, đây cũng là phân khúc thị trường có câu trả lời nhanh nhất với các sản phẩm mới, hoặc được người tiêu dùng tiếp nhận ồ ạt, hoặc bị loại bỏ, từ chối cũng rất nhanh.

“Nova quyết định chọn đi vào sữa bột, thay vì những phân khúc an toàn hơn như sữa nước, sữa tươi. May mắn là chúng tôi đã hợp tác được với Tập đoàn Kerry, là một trong những doanh nghiệp sữa hàng đầu của Ireland và thế giới. Việc hợp tác được thực hiện cả trong nghiên cứu và phát triển, kinh doanh sữa”, ông Liêm cho biết.

Về sau, chính hợp tác này đãõ giúp Nova Group hiện thực hóa chiến lược phát triển nhóm sản phẩm sạch mới của Tập đoàn, gồm thịt, cá, trứng, sữa.

Dồn sức cho trận chiến dài hơi

Tiền thân của Nova Group là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn do ông Bùi Thành Nhơn sáng lập năm 1992, với vốn điều lệ 400 triệu đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thủy sản hóa chất, nguyên liệu dược, xây dựng biệt thự cho thuê. Một năm sau đó, ông Nhơn đã hợp tác với Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản) để phân phối Lysin và liên doanh với đối tác đến từ Philippines xây dựng nhà máy sản xuất thuốc thú y, mở rộng hệ thống phân phối cả nước.

Từ đó đến năm 2006, Thành Nhơn trở thành công ty dẫn đầu trong hoạt động sản xuất và phân phối thuốc thú y, với trên 1.000 đại lý phân phối trên cả nước và xuất đi trên 22 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, năm 2007, khi nền kinh tế chớm bước vào khủng hoảng và thị trường bất động sản bước vào giai đoạn sốt nóng, đặc biệt sự dịch chuyển cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của TP.HCM, ông Nhơn quyết định tái cấu trúc các công ty thành viên, thành Tập đoàn Nova và tách làm 2 lĩnh vực hoạt động.

Trong đó, Anova Corporation hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chuỗi giá trị cung cấp nguồn thực phẩm sạch có truy nguyên nguồn gốc. Anova hiện có 8 công ty thành viên, bao gồm 3 nhà máy thuốc thú y, 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, 2 công ty chuyên kinh doanh nguyên liệu sản xuất thuốc thú y, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, 1 công ty phân phối vaccin và 1 công ty chuyên phân phối sản phẩm thuốc thú y cho thị trường miền Bắc. Năm 2013, Quỹ đầu tư DWS Vietnam Fund sở hữu 20% cổ phần của Anova đã định giá doanh nghiệp này ở mức 65 triệu USD.

Còn Novaland Group hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trở nên nổi tiếng trong vài năm trở lại đây khi thâu tóm hàng loạt dự án bất động sản từ các ông lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Intresco, Savico, Đại Hưng Phú... Với khoảng 18 dự án đang có trong tay, Novaland Group đặt mục tiêu trong giai đoạn 2011-2016, cung cấp 5.000 ngôi nhà cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, sự phình to về quy mô dự án cũng sẽ đi cùng với bài toán đau đầu đó là vốn mà Novaland sẽ đối diện thời gian tới. Ông Nhơn cũng đã có lúc thừa nhận, lĩnh vực này quả thật là thách thức với Novaland.

Không chỉ vậy, tập đoàn này cũng đang có nhiều động thái tham gia thâu tóm doanh nghiệp nhà nước trong diện phải cổ phần hóa. Năm 2014, Novaland trở thành ông chủ mới của Công ty TNHH Một thành viên Cảng sông TP.HCM (Casoco), khi nắm giữ trên 50% cổ phần.

Trở lại với lĩnh vực nông nghiệp. Trải qua 23 năm hoạt động, giờ đây Nova Group đã không thua kém các tên tuổi đi trước. Nhìn lại, trong 3 mảng hoạt động chính của Nova Group, nông nghiệp là một mảng cốt lõi. Và Anova Milk là một nhánh trong mảng nông nghiệp, là mảng mới nhất của tập đoàn.

“Chúng tôi xác định đầu tư mạnh, chuyên nghiệp, bài bản cho lĩnh vực sữa với đội ngũ giỏi, chuyên sâu về sữa, nguồn lực tốt nhất trong đầu tư”, ông Liêm khẳng định.

Đi thẳng đến người tiêu dùng

Thương vụ hợp tác trị giá 50 triệu USD với Kerry được hai bên sử dụng vào việc nghiên cứu ra công thức sữa dành riêng cho trẻ em Việt Nam, công nghệ truy xuất nguồn gốc sữa, hệ thống phân phối… Cách thức các doanh nghiệp khác hay làm là xây nhà máy sản xuất, đóng gói sản phẩm tại Việt Nam không được Nova Milk chọn. Có một số lý do, như chi phí đầu tư lớn, hay ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đủ sức đầu tư công nghệ để biến sữa tươi thành sữa bột. Ngoài ra, nếu áp dụng mô hình này thì phải hạch toán đưa vào giá thành sản phẩm, giá sữa đến tay người tiêu dùng sẽ cao.

Nhưng cũng có cả lý do người tiêu dùng Việt Nam luôn thích dùng hàng ngoại nhập, nên việc nhập khẩu nguyên hộp có xuất xứ từ châu Âu sẽ giúp tâm lý người tiêu dùng yên tâm hơn. Anova Milk không phải ngoại lệ.

Đặc biệt hơn, Nova Milk đã áp dụng công nghệ truy suất nguồn gốc. Kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam tại TP.HCM và Hà Nội đối với các bà mẹ có con trên 2 tuổi cho thấy, có đến 80% các bà mẹ không hoàn toàn tự tin khi chọn mua sữa bột cho con trong lần đầu tiên; 66% các bà mẹ không hoàn toàn rõ về những tiêu chí làm nên một hộp sữa bột tốt; 74% các bà mẹ cho rằng, thông tin trên bao bì không hoàn toàn đầy đủ để người tiêu dùng tự đánh giá chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, có đến 78% các bà mẹ cảm thấy tự tin trong quyết định chọn mua sữa bột cho con nếu sản phẩm cho phép tìm hiểu được xuất xứ nguồn gốc.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn khá mới mẻ tại Việt Nam, thường xuất hiện “trên giấy” và được xem là bí mật kinh doanh. Song, đây vốn là xu hướng đã xuất hiện từ lâu trên thị trường thế giới trong ngành thực phẩm và ngành sữa.

Với hai dòng sữa chủ lực hiện nay Grow và IQ, từ 0-6 tuổi, trước mắt, sản phẩm của Anova Milk sẽ được phân phối bán tại hệ thống các siêu thị lớn. Anova Milk đã sở hữu 36 nhà phân phối, 5.000 đại lý trên cả nước. Sắp tới, Anova Milk sẽ triển khai bán hàng online. Ông Liêm rất tự tin về độ khả thi trong việc mở rộng kênh phân phối khi Nova Group có lợi thế đang là chủ đầu tư của rất nhiều dự án bất động sản lớn, với hàng chục nghìn cư dân trong tương lai…

Như vậy, với nhiều cách “đánh” thị trường như vậy, mục tiêu chiếm 5% thị phần trong 3 năm đầu tiên của tân binh có thể chạm ngưỡng. Tuy nhiên, sữa bột là mảng thị trường có sự cạnh tranh gay gắt, với sự hiện diện của hơn 300 thương hiệu sữa, trong đó sữa ngoại chiếm 75% thị phần. Riêng hãng Abbott đã có hơn 120 nhãn sữa đang bày bán trên thị trường nội địa và chiếm khoảng 30% thị phần, Vinamilk đứng thứ 2 với 24,6% thị phần. Riêng ở phân khúc sữa bột trẻ em thì Vinamilk hiện dẫn đầu thị phần với 25,8%.

Do đó, tân binh này xác định, việc dấn thân vào làm sữa bột là con đường dài hạn. “Trong lĩnh vực bất động sản, Novaland phải mất 12 năm để được biết đến. Với sữa bột, chúng tôi không phải bằng mọi giá để giành thị phần, tranh đua hay nhanh chóng hoàn vốn, có lãi”, ông Liêm khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác