Với doanh nhân Thái Hương, quan trọng nhất là phải biết ước mơ và chủ động, dốc lòng cho ước mơ ấy |
Họ là những nữ doanh nhân nền nã, đảm đang khi ở nhà, trên thương trường, họ luôn rắn rỏi, dám nghĩ, dám hành động và không chịu nhốt mình trong lối mòn tư duy.
“Nữ tướng”, “ô sin” và tấm lòng người mẹ
Sinh ra và lớn lên tại Pháp, nhưng dòng máu Việt luôn chảy tràn, thôi thúc một nữ kỹ sư không ngừng ước mơ và hành động, trở thành CEO Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Không chỉ đưa Vinamilk trở thành thương hiệu số 1 trong nước về thị phần, bà Mai Kiều Liên còn đóng góp lớn trong việc thay đổi bộ mặt ngành sữa Việt Nam và 3 lần được Tạp chí Forbes vinh danh là nữ CEO hàng đầu khu vực châu Á.
- doanh nhân Mai Kiều Liên
Trên thương trường, ở công ty là “nữ tướng”, nhưng ở nhà, bà Liên tự nhận mình là “ô sin”. “Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông, nên chia sẻ mọi việc rất thoải mái. Ông xã tôi có thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ. Nhà tôi không thuê người giúp việc, mà tất cả các thành viên đều tham gia công việc gia đình. Buổi tối, bên cạnh việc nhà, tôi vẫn trả lời e-mail công việc”, bà Liên cười tươi kể về cuộc sống bình dân mà hạnh phúc của mình.
Và có lẽ, chính những điều bình dị ấy là chất xúc tác để bà Liên biến những điều không thể thành có thể, trở thành nữ doanh nhân bản lĩnh, trí tuệ, quật cường.
Với doanh nhân Thái Hương - người đã thành công vang dội khi đầu tư vào nông nghiệp với sản phẩm sữa, rau quả, gạo sạch, những quyết định then chốt đều khởi nguồn từ tấm lòng người mẹ. Tham gia thị trường sữa tương đối muộn, khi các thương hiệu truyền thống đã sừng sững như tượng đài, nhưng giờ đây, bà không có đối thủ trong sản xuất sữa tươi sạch chuẩn quốc tế từ đồng cỏ đến ly sữa, vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Không chỉ tạo dựng hệ thống trang trại và nhà máy chế biến sữa lớn nhất Đông Nam Á ở trong nước, doanh nhân Thái Hương còn triển khai dự án phát triển đàn bò sữa và cung cấp sữa cho thị trường Nga với trị giá giai đoạn đầu cả nửa tỷ USD. “Các con là một trong những thứ tạo nên nguồn năng lượng lớn của tôi. Như tôi đã chia sẻ, việc đắm đuối với con là một nguyên nhân sâu xa khiến tôi không e ngại bắt tay vào làm sữa tươi sạch, dù khi ấy, tôi không biết một chút gì về lĩnh vực này”, doanh nhân Thái Hương cho biết.
Với bà, khi người phụ nữ đứng trên cương vị là doanh nhân thì phải làm hai nhiệm vụ rất nặng nề là nhiệm vụ gia đình và sự nghiệp. Nhưng phụ nữ kinh doanh cũng có lợi thế riêng, vì biết rõ gia đình, con cái mình cần gì và khi đầu tư, hết lòng cho sản phẩm như chăm sóc những đưa con của mình, thì sản phẩm ấy sẽ có được chỗ đứng.
“Giới tính nữ cũng là ưu thế khi chúng tôi mang trái tim của người mẹ, với những sản phẩm đậm tính nhân văn. Sản phẩm nhân văn, hướng tới sức khỏe và sự bền vững trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao luôn có vị trí riêng. Quan trọng nhất là phải biết ước mơ và chủ động, dốc lòng cho ước mơ ấy”, doanh nhân Thái Hương chia sẻ.
Thay đổi để đột phá
Năm 2019, CEO NutiFood Trần Thị Lệ được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, nhưng bà vẫn khiêm tốn: “Tôi rất bình thường, chỉ là người phục vụ tận tụy cho khách hàng là các bà mẹ quyền lực”.
Là một bác sĩ dinh dưỡng chuyển sang làm sữa đặc trị, bà Lệ có sẵn nền tảng kiến thức về y khoa cũng như cái tâm hết lòng vì người tiêu dùng. Suốt nhiều năm, mỗi ngày, bà chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng vì ban ngày vừa sản xuất vừa bán sữa, đến tối lại cắp sách đi học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing… Nỗ lực của bà đã giúp Công ty phát triển thần tốc, có lúc đạt tốc độ tăng trưởng từ 200 đến 300%/năm, doanh số đã cán mốc trên 500 tỷ đồng vào năm 2007.
Tham vọng lớn và những chiến lược sai lầm cộng thêm giá nguyên vật liệu tăng khiến NutiFood thua lỗ tới 148 tỷ đồng, gần hết vốn điều lệ. Nữ CEO và chồng mình, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood lập tức thay đổi tư duy, vực dậy Công ty rất nhanh chóng, đưa NutiFood nằm trong top 3 nhà sản xuất và kinh doanh sữa lớn nhất cả nước, hướng tới mở rộng tập đoàn vươn ra quốc tế thông qua liên doanh và sáp nhập.
Trong khi đó, Anh hùng lao động Ninh Thị Ty, một doanh nhân lẫy lừng trong lĩnh vực may mặc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm và May Chiến Thắng đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì lý do đơn giản: “Chúng ta cần phải thay đổi tư duy, phải tự hào dùng hàng Việt Nam, chứ không phải cứ đi hô hào ưu tiên này nọ”.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, tại sao chúng ta không làm giàu từ nông nghiệp? Tại sao cứ phải đi nhập khẩu rất nhiều thứ trong lĩnh vực nông nghiệp như hoa quả, ngô, khoai, sắn...? Bà đặt nhiều câu hỏi, thấy buồn về những điều đó và quyết tâm tiến quân vào nông nghiệp, dù biết có nhiều khó khăn, rủi ro.
Từ những năm 2008, 2009, bà đã gom đất nông nghiệp ở Bắc Ninh để khi có cơ hội sẽ thực hiện quyết tâm của mình. Sau khi gặp những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp của Israel và tham quan nhiều mô hình ở đây, bà tự đặt cho mình mục tiêu làm một cái gì đó thực sự đột phá, một cái gì đó thật khó mà chưa ai làm được, như việc xuất khẩu lá tía tô sang Nhật Bản với giá 700 đồng/lá.
“Lựa chọn đầu tư vào nông nghiệp không phải để làm giàu, mà muốn đóng góp, củng cố thêm sự vững chắc cho một ngành kinh tế trụ cột của đất nước và chia sẻ để mọi người cùng dấn thân vào một lĩnh vực rất bền vững”, nữ anh hùng lao động chia sẻ thật tâm.
Nhìn lại những thành công của mình, doanh nhân Ninh Thị Ty nghĩ rằng, đó là bởi bà luôn lạc quan, nỗ lực lao động và đưa ra những quyết sách, chính sách phù hợp với từng doanh nghiệp. Năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành, đa phần các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhưng thay vì kêu ca, bà luôn nghĩ, mọi con đường đều có lối thoát của nó.
“Đối với một người chủ doanh nghiệp, sai một li sẽ đi một dặm, nên càng những lúc khó khăn, càng phải bình tĩnh. Có thể ăn mặc đẹp hơn, cho phép mình đi chơi và phải luôn nhớ rằng, sẽ có lối thoát và mình sẽ phải bình tĩnh để tìm ra”, doanh nhân Ninh Thị Ty trải lòng.
Bà cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay với lĩnh vực nông nghiệp là đất đai và giải phóng mặt bằng. Muốn làm nông nghiệp tốt, thì phải cơ giới hóa, tự động hóa, còn nếu vẫn làm nhỏ lẻ, manh mún thì rất khó. Làm nông nghiệp lúc đầu sẽ khó khăn và nhiều rủi ro, nên bà luôn mong muốn các doanh nghiệp sẽ có sự đầu tư đúng mực và kiên trì, chứ không phải kiểu “xin đất xong thấy khó khăn rồi lại bỏ”.
“Tôi ước mơ đến một ngày, dân Việt Nam sẽ như dân Israel, sẽ tự hào vì không nhập ngoại mặt hàng ăn uống, mà chỉ dùng đồ Việt Nam. Tôi không chắc 5 năm, 10 năm hay đến lúc mình chết đi có được nhìn thấy điều đó hay không, nhưng đó là ước mơ cháy bỏng. Muốn được như thế, theo tôi, cần phải có những thay đổi, đặc biệt là không chịu khóa nhốt trong lối mòn tư duy”, nữ anh hùng lao động bày tỏ.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tại Việt Nam, mỗi tuần, phụ nữ phải dành thêm 14 giờ so với nam giới cho công việc gia đình. Đây là điểm bất lợi của phụ nữ so với nam giới trong kinh doanh. Thế nhưng, nữ doanh nhân luôn biết biến giá trị của sự hy sinh và cống hiến thành những lợi ích lớn lao cho sự phát triển kinh tế. Họ luôn được ví như bộ “giảm xóc” cho những chấn động về kinh tế. Bởi thế, bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ lập nghiệp, xã hội luôn đề cao và tôn vinh những người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.