Celia Le sống cùng bố tại Mỹ. Ảnh: NVCC |
Mùa xuân năm 2018 là quãng thời gian đáng nhớ trong chặng đường học tập của Celia Le, học sinh trường THPT Hernando (bang Mississippi, Mỹ). Em liên tiếp nhận thư báo trúng tuyển từ 20 đại học Mỹ, trong đó có hai trường Ivy League là Viện Đại học Columbia và Pennsylvania, trường Ohio State hay những trường giáo dục khai phóng hàng đầu như Cerleton College, Rhodes… Những đại học này đều cho Celia mức học bổng lớn. Viện Đại học Columbia, nơi Celia đang dành nhiều tình cảm nhất, đồng ý hỗ trợ hơn 69.675 USD một năm.
Trong gần 4 năm sinh sống và học tập tại Mỹ, Celia từng giành nhiều thành tích. Em là thủ khoa trường THPT Hernando, đạt GPA tiêu chuẩn 4.0/4.0 (GPA có trọng số là 4.7), điểm bài thi chuẩn hóa ACT 35/36 và đã học 8 môn AP - chương trình nâng cao lấy tín chỉ đại học cho học sinh phổ thông ở Mỹ. Celia còn đạt giải thưởng Phục vụ cộng đồng do Tổng thống Obama trao tặng cùng rất nhiều giải thưởng về hội họa, viết và hùng biện.
Học tập tại trường THCS Lê Văn Tám (TP HCM) đến hết lớp 8, Celia Le được bố đưa sang Mỹ để có môi trường giáo dục tốt hơn. Cô gái sinh năm 2000 gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu học tập ở xứ sở cờ hoa này.
Celia chia sẻ dù đứng nhất lớp về tiếng Anh trong ba năm liền, em vẫn gặp vấn đề về từ vựng khi học Hóa, Vật lý. "Cách giải phương trình ở môn Toán cũng rất khác, phương pháp học mới cùng nhiều môn chưa tiếp xúc trước đó khiến em lo lắng", Celia nói và giải thích có nhiều môn đã được dạy ở chương trình lớp 8 của Mỹ nhưng ở Việt Nam em chưa hề được học.
Để vượt qua những trở ngại ban đầu, Celia Le phải thường xuyên tìm video trên mạng học thêm nhằm hoàn thiện phần kiến thức còn yếu. Dần dần, em đã chinh phụ được những môn khó. Từ thế mạnh về hội họa và ngôn ngữ học, Celia bắt đầu yêu thích các môn khoa học, đặc biệt là Vật lý và lựa chọn đó là ngành sẽ theo đuổi trong bốn năm đại học.
Celia Le được Tổng thống Obama trao tặng giải thưởng Phục vụ cộng đồng năm 2016. Ảnh: NVCC |
Năm cuối phổ thông, Celia tìm hiểu những trường đào tạo ngành Vật lý danh tiếng của Mỹ và chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển. Theo học trường công lập của bang Mississippi, nơi không có truyền thống học tập và không đầu tư nhiều cho giáo dục, Celia ít được học lớp chuyên và không được tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật lớn như Intel ISEF. Việc chuyển môi trường học từ Việt Nam sang Mỹ phần nào ảnh hưởng đến kiến thức khiến điểm ACT thấp hơn kỳ vọng, nhưng điều đó không khiến Celia mất niềm tin vào khả năng đỗ đại học top đầu.
Celia quan niệm điểm số không phải yếu tố duy nhất giúp em trúng tuyển mà quan trọng là thư giới thiệu và bài luận phải kể được câu chuyện hoàn hảo, phải làm sao để trong 4 phút đọc hồ sơ, giám khảo có thể nắm bắt được điểm mạnh, sở thích, ước mơ hoài bão của mình. Với ý nghĩ đó, Celia dành nhiều tâm huyết cho các bài luận.
Nữ sinh gốc Việt thông tin với 20 trường trúng tuyển, em đã viết hơn 40 bài luận, trong đó bài luận chính dài từ 400 đến 650 từ khiến em mất nhiều thời gian nhất. "Bài luận chính của em đậm chất riêng tư khi thú nhận là cô bé hay khóc. Em kể ra những sự kiện và lý do khiến mình phải khóc nhiều", Celia nói.
Anh Alan Le, bố của Celia, chia sẻ rất xúc động với bài luận của con gái. Khi vợ chồng chia tay, anh đã mất nhiều năm để thuyết phục vợ cho con gái qua Mỹ sống cùng bố.
"Tôi hiểu những gì con phải trải qua. Tôi luôn dành thời gian mỗi ngày đọc 30 trang tiếng Anh, tìm thông tin trên báo chí để hiểu hệ thống giáo dục Mỹ nhằm tư vấn cho con. Sự đồng hành cùng con khiến tôi hiểu và xúc động trước bài luận của con. Đó là bài viết hay", anh Alan nói.
Không chỉ bố, một giám khảo của Viện Đại học Columbia đã viết thư riêng gửi tới Celia dành lời khen ngợi cho bài luận này. Celia cho biết rất tự hào vì điều đó bởi rất hiếm thí sinh được giảm khảo gửi thư như vậy.
Celia Le (đứng thứ hai từ trái sáng, hàng dưới) là thành viên Hội đồng thanh thiếu niên của thị trưởng thành phố Hernando. Ảnh: NVCC |
Mục tiêu học tập lớn nhưng Celia vẫn chú trọng việc tham gia hoạt động ngoại khóa. Em là chủ tịch CLB Khoa học và CLB Hội họa cộng đồng của trường. Để cân bằng mọi việc, em thường lên kế hoạch theo từng tuần và ghi chú trên điện thoại như một cách nhắc nhở. Hàng ngày sau khi tan học, em đều dành hơn 3 tiếng để làm bài tập, sau đó sẽ làm mọi việc trong kế hoạch theo thứ tự từ việc quan trọng nhất.
"Hoạt động ngoại khóa không phải yếu tố chính giúp em trúng tuyển các trường đại học danh tiếng nhưng em vẫn sắp xếp thời gian tham gia. Bởi ở đó, em hiểu được cảm nhận của người khác, được nghe những ý kiến đóng góp, phê bình từ thầy cô và bạn bè. Mỗi lần như vậy, em hoàn thiện hơn rất nhiều", Celia nói.
Hiện Celia vẫn chưa chắc chắn sẽ học trường nào trong 20 đại học em đã trúng tuyển, nhưng dành nhiều tình cảm cho Viện Đại học Columbia. Celia muốn tận dụng cơ hội ở thành phố lớn như New York, nơi đặt trụ sở của Columbia, để học tập, giao lưu với bạn bè khắp thế giới nhằm bồi đắp thêm kiến thức.
Thần tượng nhà khoa học từng giành giải Nobel Vật lý Kip Thorne, Celia Lê hy vọng trở thành nhà Vật lý học, nghiên cứu về lĩnh vực Vật lý mới và đem kiến thức học hỏi được phục vụ xã hội.