Sức khỏe doanh nghiệp
Nước cờ mạo hiểm của Sơn Hà
Chí Tín - 11/04/2021 09:40
Là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ thép không gỉ, việc Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Hà (mã SHI) tiến quân sang mảng bất động sản công nghiệp khiến giới đầu tư ngạc nhiên.

Dự án hơn 1.300 tỷ đồng

Mới đây, Tập đoàn Sơn Hà đã được Thủ tướng phê duyệt chọn làm nhà đầu tư dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2 (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc).

Dự án Khu công nghiệp Tam Dương I có quy mô vốn đầu tư lên đến 1.316,12 tỷ đồng, được thực hiện tại xã Hướng Đạo, xã Đạo Tú và thị trấn Hợp Hòa, quy mô sử dụng đất là 162,33 ha. 

Giải thích lý do thực hiện dự án này, đại diện Sơn Hà cho biết, trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch sản xuất trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam có những lợi thế khá lớn như sở hữu vị trí chiến lược, nằm giữa Trung Quốc và Singapore - một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới. Khoảng 40% lượng hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ đi qua khu vực biển Đông để đến được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Ngoài ra, sự tăng tưởng nhanh chóng tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay sẽ là nguồn cầu to lớn thúc đẩy thị trường logistics Việt Nam phát triển.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, dự kiến làn sóng di dời khỏi Trung Quốc trong năm 2021 và 2022 sẽ đòi hỏi nhiều nguồn cung bất động sản công nghiệp hơn để đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao. Diễn biến này sẽ thúc đẩy sự bùng nổ quỹ đất công nghiệp tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Có phiêu lưu với lĩnh vực mới?

Trước đây, giới đầu tư đều quen thuộc Sơn Hà với hình ảnh là một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia dụng và công nghiệp từ vật liệu thép không gỉ. Liệu việc mở rộng sang bất động sản có phải là một nước cờ phiêu lưu của Sơn Hà khi rời xa ngành nghề cốt lõi?

Theo chia sẻ của ông Nhữ Văn Hoan, Phó giám đốc thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Hà, khi quyết định trở thành nhà đầu tư bất động sản công nghiệp, Sơn Hà hướng đến một khu công nghiệp kiểu mẫu nhằm tạo đột phá trong chiến lược kinh doanh của Công ty. Đây là một khu công nghiệp hiện đại được trang bị những công nghệ do Sơn Hà đầu tư và phát triển.

Thực tế, việc mở rộng vượt ra phạm vi một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ thép đã được Sơn Hà thực thi trong thời gian gần đây, theo đó, Công ty đã có định hướng khá rõ ràng để phát triển thành một doanh nghiệp đa ngành. Các mảng sản phẩm cốt lõi truyền thống được xác định đẩy mạnh cùng các sản phẩm mới trong nhóm ngành hàng gia dụng; đồng thời các ngành mới như ngành nước, năng lượng tái tạo với sản phẩm điện năng lượng mặt trời áp mái FreeSolar… cũng được Công ty đầu tư phát triển.

Để đánh giá việc Sơn Hà có đang gồng gánh nhiều việc vượt quá thực lực tài chính hay không, có thể quan sát sơ lược về chuyển động dòng tiền và bức tranh tài chính của doanh nghiệp này.

Về dòng tiền, Sơn Hà đang có dòng tiền tốt trong năm 2020, khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã có được con số dương 95 tỷ đồng. Tích lũy của doanh nghiệp này cho các nhóm tài sản có tính thanh khoản cao cũng đang gia tăng. Tiền (và tương đương tiền) tại thời điểm cuối năm 2020 của Sơn Hà đạt 205 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ; đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng tới 154% so với năm trước và đạt số dư cuối năm 2020 là 226 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số nhóm tài sản nòng cốt khác như các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho… cũng được kiểm soát khá tốt về mặt rủi ro. Hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2020 có giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng và không có hàng tồn kho phải trích lập dự phòng. Các khoản phải thu  ngắn hạn là 1.876 tỷ đồng, trong số phải trích lập dự phòng chỉ là 10,4 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,55% trên tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn.

Tuy nhiên, lợi nhuận của Sơn Hà có phần giảm nhẹ từ mức 106 tỷ đồng năm 2019 xuống mức 90 tỷ đồng năm 2020. Diễn biến lợi nhuận không tăng trưởng phần nào là một trở ngại cho việc mở rộng nhanh quy mô đầu tư vì đứng trước các kế hoạch đầu tư lớn, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với bài toán đầu tư và cân đối lợi nhuận trong ngắn hạn.

Tin liên quan
Tin khác