Đầu tư Phát triển bền vững
Nuôi biển phải cân bằng giữa nhu cầu con người, giữ gìn tài nguyên và phát triển bền vững
Thanh Sơn - 01/04/2024 15:50
Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị "Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh" diễn ra sáng nay (1/4) tại Quảng Ninh.

Hội nghị có chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”, với sự tham dự của khoảng 450 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ Australia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan; các tổ chức quốc tế như UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV... cùng các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp tỉnh ngoài, hiệp hội, chuyên gia và tỉnh Quảng Ninh.

Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh đã và đang vươn lên trở thành tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn ngọt, hết năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 10 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng trên 55%; là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất phía Bắc.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu khai mạc hội nghị

Chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị. Lợi thế lớn của tỉnh sẽ tận dụng thị trường khách du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ.

Kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.

Vùng nuôi cá biển khu vực Bọ Cắn, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

“Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột của kinh tế biển: giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tạo ra sự hài hòa trong kinh tế biển. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển.

Đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển, nhất là khi thực trạng ngành thủy sản tự phát, thiếu tuân thủ quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên thiên nhiên. Nuôi biển phải có sự bài bản, bền vững giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

“Quảng Ninh sẽ trở thành một nơi đổi mới sáng tạo của ngành hàng nuôi biển, sẽ có các trung tâm nghiên cứu về giống, chiến lược. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, các quyết sách của Trung ương cũng xác định Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi tỉnh có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo, ngành chuyên môn, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tại hội nghị, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam chia sẻ: “Na Uy và Việt Nam đã có hơn 4 thập kỷ hợp tác trong lĩnh vực thủy sản. Đây chính là nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục hợp tác trong ngành nuôi biển. Việt Nam và Na Uy đều là nước có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, trong đó Na Uy là nước lớn thứ hai và Việt Nam là nước lớn thứ ba. Điều quan trọng nhất là hai quốc gia đang tích cực trao đổi chứ không cạnh tranh thị trường, mang lại những cơ hội quý giá để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Hợp tác nuôi trồng thủy sản biển và hải sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước mà còn tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy”.

Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ tại Hội nghị

Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết MOU thúc đẩy phát triển nuôi biển tỉnh Quảng Ninh giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II; Viện Nghiên cứu Hải sản; Viện ứng dựng Khoa học Công nghệ và Đào tạo Mekong; Công ty cổ phần Tập đoàn STP; Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung Group.

Đồng thời, Sở đã trao giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho Công ty cổ phẩn STP Aqua Quảng Ninh; HTX Thủy sản Trung Nam; HTX Thương mại và dịch vụ thủy sản Minh Đức; HTX Thủy sản Thắng Lợi; HTX Dịch vụ và Nuôi trồng phát triển thủy sản Bảo Anh; HTX Thương mại và Nuôi trồng thủy sản Trọng Vinh.

Lễ ký kết MOU thúc đẩy phát triển nuôi biển tỉnh Quảng Ninh
Trao giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 6 doanh nghiệp, HTX

Trải qua phiên tọa đàm Tiềm năng và thách thức nuôi trồng thủy sản trên biển, thông qua các ý kiến phát biểu của các diễn giả, các nhà quản lý, các nhà khoa học cấp cao trong nước và quốc tế, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Với sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm trở thành Trung tâm nuôi biển của miền Bắc theo Đề án 1664/QĐ-TTg về nuôi biển đã được của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt ngày ngày 04/10/2021”.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành nuôi biển tỉnh Quảng Ninh

Chủ tịch Cao Tường Huy đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, tổ chức ngay sau kết thúc Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển.

Các đại biểu tham quan Triển lãm giới thiệu thành tựu công nghiệp, thiết bị nuôi biển, sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả phát triển thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh, dựa trên các mục tiêu Quốc gia về phát triển nuôi trồng thủy sản.

Thứ hai, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cùng các địa phương ven biển quản lý hiệu quả, khai thác bền vững 45.000 ha mặt biển đã được quy hoạch.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường, có kế hoạch sản xuất trung hạn và hàng năm để đáp ứng nguồn cung phù hợp với cầu của thị trường.

Thứ tư, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp phối hợp với ngành hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng tạo nguồn vốn ổn định đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi biển; phối hợp ngành tài nguyên và môi trường đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.

Thứ năm, đối với các doanh nghiệp, HTX và các hộ nuôi biển được Nhà nước cấp phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển, cần tổ chức sản xuất liên kết để tạo hiệu quả về vốn đầu tư, nâng cao chất lượng thủy sản.

Thứ sáu, triển khai hiệu quả Chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh lĩnh vực thủy sản trong năm 2024; tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hình thành hệ thống sản xuất - logistic thủy sản hiện đại trên địa bàn tỉnh gắn với hệ thống xuất khẩu chung của cả nước.

Các đại biểu cùng các em học sinh tham gia thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại bãi biển Phương Đông, huyện Vân Đồn chiều 31/3

Trước đó, ngày 31/3, các đại biểu đã đi khảo sát khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần, Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn; chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi biển; hoạt động triển lãm giới thiệu những thành tựu công nghệ, thiết bị nuôi biển, những sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản của tỉnh Quảng Ninh; thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại bãi biển Phương Đông, huyện Vân Đồn (5 triệu con giống được thả, trong đó có 4,9 triệu tôm sú và hơn 10 vạn cá vược, cá chẽm).

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, Chỉ thị số 13/CT-TU Chỉ thị số 18-CT-TU và hơn 15 kế hoạch của UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp theo hướng “tăng nuôi trồng, giảm khai thác”, tiên phong trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế biển. Đồng thời, có riêng Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292 ha, trong đó nuôi nội địa đạt 32.092 ha, nuôi biển đạt 10.200 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng, chiếm gần 50% giá trị nông nghiệp.
Tin liên quan
Tin khác