Doanh nghiệp
Nuôi dưỡng start-up “kỳ lân”
Vũ Anh - 03/05/2022 08:44
Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành “trang trại” tương lai của các start-up “kỳ lân” và cần có những bước thay đổi ngoạn mục để nuôi dưỡng những start-up kỳ lân đó.

Hoài bão lớn

Start-up là luồng gió mới của kinh tế tư nhân. Đó là khẳng định vào 5 năm trước của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khi ông ngồi vào vị trí Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Đây là tổ chức tập hợp những doanh nhân kỳ cựu hàng đầu Việt Nam. Cá nhân ông Bình cũng như nhiều doanh nhân khác mang trong mình khát vọng giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập thế giới. Để làm được điều đó, cần biến khát vọng này thành mong mỏi chung của từng người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Bình, công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch là 3 lĩnh vực mà Việt Nam có thể cạnh tranh toàn cầu và phải tập trung nguồn lực phát triển theo hướng đó.

Riêng với lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đã có vị thế nhất định trên thế giới. Trong hai năm qua, Việt Nam có thêm hai “kỳ lân” công nghệ mới là MoMo và Sky Mavis, nâng số “kỳ lân” trong nước lên con số 4 (hai tên tuổi được định giá trên 1 tỷ USD trước đó là VNG và VNLife).

Đặc biệt, sau khi Nguyễn Hà Đông “gây bão” với game Flappy Bird vào năm 2014, thì năm 2021 là cột mốc đặc biệt với nhiều thành công đột phá của blockchain và thị trường tiền điện tử ở Việt Nam.

- Năm 2021, tổng số tiền đầu tư vào start-up tại Việt Nam đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với con số kỷ lục đã đạt được năm 2019.

- Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3 về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào start-up (sau Indonesia và Singapore). Vốn rót vào start-up Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng vốn đầu tư vào khu vực.

- Số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%, đến từ nhiều quốc gia. Trong đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 lần lượt là Singapore, Việt Nam và Mỹ.

Nguồn: Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam được phát hành trên cơ sở hợp tác giữa Do Ventures
và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)

Với việc cho ra đời tựa game Axie Infinity, Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Sky Mavis đã lọt top 10 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới tiền mã hóa crypto. Bảng xếp hạng này được công bố bởi CoinDesk - một trong những chuyên trang tin tức có ảnh hưởng trên thị trường tiền số hiện nay.

Nguyễn Thành Trung được xếp ngang hàng với những nhân vật đã nổi danh toàn cầu như Sam Bankman-Fried (CEO, nhà sáng lập sàn giao dịch FTX), tỷ phú người Mỹ Elon Musk và Roham Gharegozlou (CEO Dapper Labs). Chàng trai 9X này đã khởi đầu cho làn sóng game “chơi để kiếm tiền”.

“Tôi muốn mọi người biết đến Sky Mavis là một doanh nghiệp làm nghiêm túc, chỉn chu, có tầm nhìn lâu dài”, Trung bày tỏ.

Rõ ràng, thị trường game blockchain đang có nhiều “điểm nóng”, thu hút sự quan tâm từ công chúng và nhận được nhiều “tài nguyên” như vốn, tài năng công nghệ… Theo Trung, sự phát triển của công nghệ là câu chuyện hàng thập kỷ. Những năm gần đây, công nghệ phát triển nhanh vì nhiều nguyên nhân, đại dịch Covid-19 bùng phát càng thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, nhưng theo thời gian, nó sẽ trở về quỹ đạo. Chỉ những công ty thực sự nghiêm túc, phát triển những sản phẩm mang lại giá trị thực sự mới có thể tồn tại lâu dài.

Không riêng các bạn trẻ, giới công nghệ ở tuổi “lão làng” trong nước cũng trở thành fan hâm mộ của Trung. Ở tuổi 9X, Trung đã lãnh đạo các nhà quản lý, nhân viên người nước ngoài... tiến ra thế giới, đưa start-up trở thành công ty toàn cầu, có hàng trăm ngàn khách hàng ở khắp các châu lục, đã và đang tạo ra, quản lý con số vốn hóa tỷ USD.

Vậy nên, giới công nghệ trong nước cho rằng, đã đến lúc các nhà sáng lập, CEO của các công ty mobile game “bước ra ánh sáng” và được ủng hộ. Mobile game đã và đang khẳng định vị trí như một ngành kinh tế, đóng góp lớn vào GDP và sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, Việt Nam cần tạo khung pháp lý riêng cho khởi nghiệp. Các start-up có cách thức, tư duy rất sáng tạo. Nếu bắt họ phải tuân thủ những chuẩn mực khắt khe về thủ tục hành chính, thì sẽ “đóng băng” họ.

Ngoài ra, một trong những việc cấp bách cần làm là rút ngắn thời gian đăng ký, thành lập doanh nghiệp và áp dụng mức phí thấp. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có thể rút vốn nhanh chóng. Nếu làm được điều này, thì sẽ có rất nhiều start-up lựa chọn Việt Nam để đặt trụ sở và họ sẽ dễ dàng gọi vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Điều này sẽ thu hút các quỹ bơm vốn “khủng” vào các start-up, giúp Việt Nam nhanh chóng có thêm nhiều “kỳ lân” hơn.

Tầm nhìn vượt trội

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Quá trình này không thể tách rời với làn sóng khởi nghiệp cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang rầm rộ trên toàn cầu và đó cũng là “luồng gió mới” của kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Giới trẻ khởi nghiệp thời nay được học hành rất bài bản. Họ đủ “trình” để “chiến đấu” ở các tập đoàn hàng đầu thế giới mà cách đây vài chục năm, những doanh nhân như ông Trương Gia Bình và các cộng sự cùng thời không thể mơ tới.

Tuy nhiên, khi mọi thứ đầy đủ trong cơ sở vật chất tốt, không ít bạn trẻ lại thiếu tinh thần quật cường hay sự dũng cảm dấn thân. Trong khi thế hệ khởi nghiệp cách đây 20 - 30 năm thì chỉ biết lao vào kinh doanh để sống cùng với đam mê, chứng kiến “đứa con tinh thần” lớn lên từng ngày, để rồi đạt được thành quả.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bạn trẻ ngày nay mang trong mình hoài bão lớn. Họ không an phận với một cuộc sống bình thường, mà muốn thoả mãn ước mơ sáng tạo. Họ quan niệm, đã là tuổi trẻ, thì phải có “máu” đam mê và theo đuổi đam mê đó.

Hiện khá nhiều start-up đang nóng lòng chạy theo ý tưởng, muốn có được ngay vị thế như các “ông lớn” cùng ngành. Song, kinh nghiệm cho thấy, sự thành công lớn thường bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ, nhưng có tầm nhìn vượt trội, giải quyết những nhu cầu trong xã hội bằng cách hoàn toàn mới, tốt hơn và tích cực hơn.

Vậy nên, nếu kết hợp được hai thế hệ doanh nhân này, thì Việt Nam sẽ có một nền tảng vững chắc và có thêm những start-up “kỳ lân”.

Ông Lee Jea-Woong, nhà sáng lập Daum Communications (“kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Hàn Quốc, được định giá 10 tỷ USD) cho rằng, Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành “trang trại” tương lai nuôi dưỡng các start-up “kỳ lân”, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ như Hàn Quốc 20 năm trước đây.

Thời điểm đó, Hàn Quốc phải trải qua 3 giai đoạn: công nghiệp hóa; phát triển công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 để đạt được bước nhảy vọt kinh tế. Hiện nay, Việt Nam cũng đang hội đủ những điều này.

Nhiều dữ liệu chỉ ra, khu vực Đông Nam Á có khả năng sẵn sàng áp dụng các công nghệ mới hơn và đây cũng là một trong những mảnh đất nuôi dưỡng tiềm năng các thế hệ kỳ lân tiếp theo.

Tuy nhiên, làm sao để có những bước thay đổi ngoạn mục để nuôi dưỡng những start-up kỳ lân đó là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng.

Bài học từ Ấn Độ cho thấy, trong giai đoạn 2000 - 2020, quốc gia này thúc đẩy phát triển các vườn ươm, gia tốc khởi nghiệp trên khắp cả nước. Tại vườn ươm, các nhóm chuyên gia sẽ cung cấp cho start-up nguồn lực như không gian làm việc, công nghệ và các hoạt động tư vấn để start-up có thể phát triển ý tưởng kinh doanh của mình. Cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp, hạ tầng kỹ thuật số, Ấn Độ còn đưa ra các lợi ích về thuế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho tất cả nhà khởi nghiệp ở trong nước.

Những điều này đã góp phần tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp tại Ấn Độ được đánh giá là tốt nhất khu vực Nam Á, cao thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đứng thứ 8 toàn cầu về khởi nghiệp ngành giáo dục và thứ 10 về giao thông - vận tải (tổng hợp báo cáo từ Start-up Blink và

Start-up Genome năm 2021). Đây cũng là điểm giúp Ấn Độ trở nên hấp dẫn với các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới.

Việt Nam cũng đã làm những việc tương tự, song cần quan tâm để ngày càng có nhiều start-up được hưởng lợi từ những chính sách đó.

Tin liên quan
Tin khác