Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư công tại Quảng Bình |
Giải phóng mặt bằng gặp khó
Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị (BIIG2) - Tiểu dự án tỉnh Quảng Bình, sẽ hết hạn vào tháng 9/2025, nhưng đến nay, chỉ có 3/7 công trình hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) và triển khai thi công, các công trình còn lại mới GPMB đạt 90%.
Mặc dù phần diện tích GPMB còn lại của Dự án BIIG2 chỉ là 10%, nhưng phần này đang gặp phải những “nút thắt” khó giải quyết. Cụ thể, còn 23 hộ dân trong phạm vi Dự án chưa được tái định cư do chưa bố trí được quỹ đất. Ông Mai Hồng Ngọc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Đồng Hới, UBND huyện Quảng Ninh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư, đảm bảo sớm có đất bố trí di dời các hộ dân.
Tại Dự án Tuyến đường Phú Hải - Lương Ninh, diện tích cần GPMB là 9,28 ha, đã hoàn thành GPMB 86,8%; còn 0,4 ha tại Quảng Ninh và 0,83 ha ở Đồng Hới chưa hoàn thành GPMB. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, vướng mắc là trong phạm vi giải tỏa vẫn còn 10 hộ dân chưa nhận tiền đền bù.
Tại Dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, diện tích công trình cần GPMB là 15,9 ha, đến nay đã hoàn thành GPMB 8,58 ha (54%), còn 7,32 ha chưa hoàn thành.
Ban Quản lý Dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 và 2 đầu cầu cho biết, có 3,11 ha đang thực hiện trích đo, nhưng gặp khó khăn do chưa tìm được chủ sử dụng, hoặc đất mua bán trao tay không qua chính quyền địa phương.
Được biết, để triển khai công tác GPMB tại dự án này, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu tại xã Bảo Ninh, song cũng đang gặp vướng mắc về mặt bằng. Đến nay, dự án tái định cư mới chỉ hoàn thành GPMB khoảng 0,9 ha/3,24 ha. Trong số 2,31 ha (71,3%) chưa hoàn thành GPMB, còn khoảng 0,4 ha đất rừng sản xuất do UBND xã Bảo Ninh quản lý đang có tài sản của 2 hộ dân. Các hộ này có đơn kiến nghị đền bù đất, chính quyền địa phương đang thụ lý.
Nhiều vướng mắc
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, công tác bồi thường, GPMB là yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Nhưng trong quá trình thực hiện, một số quy định pháp luật liên quan thay đổi, dẫn đến kéo dài thời gian, hoặc các cơ quan chức năng gặp khó khăn khi áp dụng quy định mới vào công tác GPMB.
Cụ thể, theo Luật Đất đai năm 2024, quy trình thực hiện bồi thường, GPMB có nhiều điểm khác so với Luật Đất đai năm 2013. Công tác xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, GPMB có nhiều điểm thay đổi.
Theo quy định cũ, vốn thanh toán cho đơn vị định giá đất sử dụng kinh phí từ dự án, nhưng Nghị định số 12/2024/NĐ-CP, ngày 5/2/2024 không nêu cụ thể nguồn vốn để triển khai, nên các đơn vị liên quan không có căn cứ thực hiện.
“Phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 71/2024/NĐ-CP, ngày 27/6/2024 quy định về giá đất, bãi bỏ Nghị định 12/2024/NĐ-CP, nêu rõ nguồn vốn do UBND cấp huyện bố trí từ nguồn vốn thường xuyên để thực hiện, cơ quan chức năng mới có cơ sở để bố trí vốn”, ông Mai Hồng Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo quy định cũ, công tác định giá đất được các đơn vị tiến hành bồi thường, GPMB trực tiếp thực hiện, có thể là ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất của các huyện, hoặc trung tâm phát triển quỹ đất thuộc sở tài nguyên và môi trường.
Hiện nay, theo quy định mới, phải tổ chức lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất theo quy định pháp luật về đấu thầu. Theo đó, sau khi được UBND cấp huyện bố trí vốn để tổ chức lựa chọn tư vấn, phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện mới tiến hành lựa chọn tư vấn. Đối với chi phí định giá đất dưới 100 triệu đồng, thì thực hiện thủ tục chỉ định thầu; trên 100 triệu đồng thì phải tổ chức đấu thầu.
Một vướng mắc khác khiến công tác GPMB bị kéo dài thêm là Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhưng phải đến đầu tháng 11/2024, UBND tỉnh Quảng Bình mới ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, gồm quyết định mới thay thế Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND, ngày 13/9/2018 của UBND tỉnh quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn.
Chưa hết, khi quyết định mới được tỉnh ban hành, việc triển khai tiếp tục gặp phải các khó khăn phát sinh.
Ông Nguyễn Việt Vương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu cho biết: “Sau thời điểm 1/8/2024, nhiều trường hợp mặc dù trước đó đã hoàn thành công khai phương án bồi thường và ban hành thông báo thu hồi đất, nhưng do chưa kịp ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất, nên buộc cơ quan chức năng phải lập lại hồ sơ, quy trình thực hiện từ đầu, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024”.
Ngoài ra, theo quy định cũ của tỉnh, thì đất vườn được hỗ trợ giá bồi thường bằng 50% giá đất ở. Nhưng theo quyết định mới, do Luật Đất đai 2024 không còn khái niệm “đất vườn”, mà gọi chung là “đất nông nghiệp”, nên việc hỗ trợ bằng 50% giá đất ở trước đây bị bãi bỏ.
“Mặc dù việc định giá bồi thường phụ thuộc đơn vị tư vấn, nhưng về cơ bản, thì tổng giá trị bồi thường theo phương pháp áp giá mới sẽ thấp hơn so với cách áp giá trước đây. Điều này gây thêm nhiều khó khăn đối với các đơn vị chức năng khi thực hiện việc GPMB cho các dự án đầu tư công”, ông Vương nói thêm.