Đầu tư
Ồ ạt đầu tư vào điện mặt trời áp mái: Trả giá cho sự hào hứng
Thanh Hương - 31/08/2020 08:33
Cơ quan quản lý tại địa phương đừng thụ động hay quá hào hứng trước dòng vốn đầu tư bất thường đổ vào nhiều dự án điện mặt trời áp mái. Cái giá phải trả rất đắt.
.

Cũng như nhiều địa phương trong diện nghèo của Chương trình 135, huyện Chư Sê (Gia Lai) hiện là điểm đến của nhiều dự án điện mặt trời áp mái với chi phí đầu tư bình quân 10-15 tỷ đồng/MWp.

Chỉ tính riêng thôn Ia Sa, xã H’Bông của Chư Sê đã có 15 hệ thống điện mặt trời áp mái đi vào hoạt động, công suất đăng ký khoảng 993 kW/hệ thống. Ngoài ra, còn 3 hệ thống loại 1 MW sắp đi vào vận hành.

Theo UBND huyện Chư Sê, các dự án điện mặt trời áp mái thường xin phép chủ trương đầu tư theo hình thức dự án nông nghiệp công nghệ cao, sau đó sẽ lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái. Chính quyền địa phương cho rằng, điều này không đúng với nội dung xin phép và đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai, yêu cầu Điện lực Chư Sê phối hợp, chỉ đồng ý cho đấu nối vào lưới điện với các dự án loại này sau khi có ý kiến của UBND huyện.  

Khi Chư Sê thực hiện các biện pháp trên, Công ty Điện lực Gia Lai và Sở Công thương Gia Lai có vẻ không đồng tình và cho rằng, việc đó chỉ làm phát sinh thêm quy định.

Song sau 2 tháng, quan điểm của UBND huyện Chư Sê lại được xem là quy trình để xử lý các dự án điện mặt trời áp mái ở các trang trại khi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào cuộc xử lý tình trạng vốn đầu tư ào ạt đổ bộ vào lĩnh vực này.

Có lẽ, Chư Sê chỉ là một thí dụ đơn lẻ bởi thống kê cho thấy, tới cuối tháng 7 năm nay, cả nước có trên 42.690 hệ thống điện mặt trời áp mái được đầu tư. Ngoài ra, tại khu vực miền Trung và miền Nam còn có hơn 4.000 dự án đã và đang thoả thuận đấu nối với tổng công suất 2.218 MWp chưa vận hành thương mại. Điều đáng nói là trong số này có tới 759 dự án bị liệt vào nhóm vượt khả năng giải toả công suất lưới điện.

Gia Lai - nơi có huyện Chư Sê, đã chứng kiến sự gia tăng chóng mặt hoạt động đầu tư, trở thành địa phương top đầu cả nước về điện mặt trời áp mái. Từ đầu năm 2020 đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới và bổ sung ngành nghề liên quan đến điện áp mái tại Gia Lai tăng đột biến, với hơn 200 doanh nghiệp thành lập mới cùng 500 doanh nghiệp bổ sung ngành nghề này. Cá biệt, có những tháng, Gia Lai tiếp nhận trên 300 đơn đăng ký đầu tư điện mặt trời áp mái. Tới tháng 6/2020, Gia Lai có tổng cộng hơn 50,7 MWp công suất điện mặt trời mái nhà đã thoả thuận đấu nối nhưng chưa vận hành thương mại; hơn 381 MWp công suất điện mặt trời áp mái khác đang thoả thuận đấu nối và khoảng 110 MWp được xác định là vượt khả năng giải toả của lưới điện.

Chắc chắn, nguồn cung điện sẽ vượt xa cầu khi các hệ thống điện mặt trời này cùng hoạt động, buộc Gia Lai phải truyền tải đi các địa phương khác. Song các địa phương xung quanh cũng là những nơi có tiềm năng không nhỏ về điện mặt trời, nên muốn tiêu thụ hết lượng điện sản xuất, Gia Lai cần phải chuyển điện vào Nam hay ra Bắc qua hệ thông đường truyền tải cao áp 220 kV, thậm chí 500 kV.

Như vậy, so với mục tiêu phát triển điện mặt trời áp mái ở thế giới là giảm áp lực cấp điện ngay tại chỗ và khu vực hẹp xung quanh, mà không phải đầu tư thêm nhiều vào đường truyền tải điện hiện có, thì đã xuất hiện dấu hiệu bị lợi dụng trong đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam nhằm hưởng lợi mức giá bán điện 8,38 UScent/kWh.

Hẳn nhiên, cơ quan quản lý sẽ sớm có thêm hướng dẫn cụ thể giúp địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tìm hướng giải quyết tình trạng này. Song những gì diễn ra ở Chư Sê cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước cẩn trọng hơn khi làm chính sách, phải giải thích cụ thể các quy định ngay khi ban hành chính sách, từ đó hạn chế sự lãng phí khi ồ ạt đầu tư vào điện mặt trời áp mái. Thực tế trên còn cho thấy, cơ quan quản lý tại địa phương đừng thụ động hay quá hào hứng trước dòng vốn đầu tư bất thường đổ vào địa bàn, mà hãy thận trọng xem xét như chính quyền huyện Chư Sê.

Tin liên quan
Tin khác