Doanh nghiệp nói không
Sau khi có Văn bản 3218/BTNMT-VP, ngày 4/8/2016 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc kiểm tra thông tin người dân phản ánh về Nhà máy DAP Đình Vũ gây ô nhiễm, ngày 10/8/2016, Công ty DAP Đình Vũ đã có Văn bản số 505/BC-DAP do ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc ký gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường để báo cáo về công tác bảo vệ môi trường và xử lý chất thải.
Bãi thải gyps của DAP Đình Vũ chất cao như núi. Ảnh: Thanh Tân |
Theo nội dung văn bản trên, DAP Đình Vũ cho biết, tổng dư lượng P2O5 (lân) tồn tại trong bã thạch cao (gyps) là dưới 1,0% (theo thiết kế của nhà cung cấp là dưới 1,4%), chỉ số pH lớn 2,2% và “tuyệt đối không có P2O5 phát sinh rò rỉ ra bên ngoài”.
DAP Đình Vũ cũng khẳng định, Công ty đã tuân thủ đúng những nội dung cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Cơ quan quản lý nói có
Ngược hẳn với báo cáo của Công ty DAP Đình Vũ, theo kết quả kiểm tra đột xuất nước thải của DAP Đình Vũ mới đây nhất (ngày 20/7/2016) của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, thì tại vị trí cổng thải cuối của công ty này có chỉ tiêu sunfur vượt ngưỡng giới hạn cho phép 1,05 lần. Tiếp đó, ngày 5/8, khi thực hiện quan trắc tại 2 điểm trong bãi thải gyps của Công ty, kết quả cho thấy, độ pH ở ngưỡng 2,09 và 2,01 (sát ngưỡng gây nguy hiểm là 2,0), chứ không phải là lớn hơn 2,2 như DAP Đình Vũ báo cáo tại Văn bản 505/BC-DAP.
Được biết, kể từ khi nhà máy bắt đầu chạy thử (tháng 4/2009) đến nay, DAP Đình Vũ đã để xảy ra 4 sự cố ảnh hưởng đến môi trường.
Lần thứ nhất, ngày 26/7/2009, DAP Đình Vũ đã để rò rỉ khoảng 7 tấn axit sunfuric (H2SO4) tại kho chứa. Rất may là đã kịp khắc phục, không để phát tán ra môi trường.
Lần thứ hai, ngày 25/2/2011, tại khu vực cầu cảng đã rò rỉ khí amoniac (NH3).
Lần thứ ba, ngày 23/6/2013 đã xảy ra sự cố tràn nước đê bao hồ điều hòa, làm chết cá tại một số đầm nuôi của người dân xung quanh. Công ty này đã phải bồi thường 115 triệu đồng cho người dân.
Lần thứ tư, ngày 4/9/2015, khoảng 7 m3 bã thạch cao tại mỏm cao nhất của bãi gyps tạm thời đã tràn xuống vùng hồ chứa nước axit bên trong bãi chứa gyps, làm bùn dung dịch gyps và nước axit thu gom từ hồ chứa tràn qua đập chắn ra khu vực ngã ba đường giao thông Khu công nghiệp Đình Vũ.
Trong khi đó, Kết luận thanh tra số 345/KLTTr-TCMT, ngày 10/5/2016 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cũng đã chỉ rõ sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường của DAP Đình Vũ. Cụ thể, đối với bãi gyps tạm thời, công ty này chưa thực hiện đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bãi thải này chỉ có diện tích 10 ha, thời gian lưu giữ tạm thời là 3 năm và phải trồng cây bao quanh, nhưng thực tế, bãi thải này có diện tích là 13 ha và thời gian lưu giữ đến nay đã hơn 5 năm.
Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương báo cáo về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của DAP Đình Vũ.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Không chỉ bãi chứa gyps lộ thiên, không có biện pháp che chắn (việc trồng cây xanh bao xung quanh không được DAP Đình Vũ thực hiện nghiêm túc), mà đến hệ thống băng tải vận chuyển gyps từ nơi phát sinh ra bãi chữa gyps tạm thời cũng là băng tải hở, nên có nguy cơ phát tán hơi axit ra xung quanh, ảnh hưởng đến môi trường không khí.
Trong khi đó, phương án xử lý nước mưa tràn mặt trên mặt bằng nhà máy được thu gom lại và cho chảy thẳng ra môi trường cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm. Đặc biệt, theo nội dung Văn bản số 2122/STNMT-BVMT ngày 1/12/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, bãi chứa mới xây dựng giai đoạn I (5,4 ha) không có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa tràn mặt, mà cho nước thoát thẳng ra biển. Điều này rất nguy hiểm, vì trong bã thạch cao vẫn còn dư lượng axit (dù độ pH vẫn còn trong giới hạn cho phép).
Để xỷ lý bãi thải gyps, Công ty DAP Đình Vũ đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thạch cao. Giả sử nhà máy này hoạt động hiệu quả thì cũng mất một thời gian khá dài mới xử lý được bãi thải gyps. Trong thời gian đó, những nguy cơ tiềm ẩn hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trước những diễn biến thời tiết bất thường.
Theo tính toán, đến cuối năm nay, nếu nhà máy thạch cao được nâng công suất từ 150.000 tấn/năm lên 375.000 tấn/năm như báo cáo tại Văn bản 505/BC-DAP, thì cũng phải mất 5,3 năm mới xử lý xong bãi thải gyps 2,3 triệu tấn hiện tại. Đó là chưa kể, nếu hoạt động hết công suất thiết kế thì mỗi tháng, DAP Đình Vũ lại thải thêm ra 50.000 tấn gyps mới.