Ngân hàng - Bảo hiểm
OCB: Lợi nhuận quý II/2021 tăng 83% nhờ buôn chứng khoán, bán bảo hiểm
T.L - 23/07/2021 09:26
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) báo lãi trước thuế quý II/2021 tăng 83% so cùng kỳ do lãi thuần và hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng mạnh, nhất là chứng khoán, bảo hiểm.

OCB vừa công bố báo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021.

Theo đó, đa phần các mảng kinh doanh đều có lãi (trừ kinh doanh ngoại hối), trong khi dự phòng rủi ro giảm gần 30% so với cùng kỳ đã mang về cho ngân hàng 1.385 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 83% so cùng kỳ.

Cụ thể, trong quý II/2021, thu nhập lãi thuần mang về cho ngân hàng 1.434 tỷ đồng, tăng 28% (tăng 311 tỷ đồng so với cùng kỳ) nhờ tín dụng tính đến 30/6 tăng 7,8% so với đầu năm, biên lãi suất NIM liên tục duy trì ở mức cao 3,86% do đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bán lẻ.

 Các hoạt động ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ tăng thêm 41 tỷ đồng, đạt 244 tỷ đồng,  22% so với cùng kỳ. Lãi dịch vụ tăng mạnh chủ yếu nhờ đóng góp của mảng bảo hiểm (Bancassurance), thu từ phí thẻ và các hoạt động tư vấn khác.  

Đặc biệt, hoạt động mua bán chứng khoán của OCB tăng rất mạnh trong quý II/2021: Mua bán chứng khoán kinh doanh báo lãi gấp 17 lần cùng kỳ năm 2020, mua bán chứng khoán đầu tư lãi gấp 2.3 lần và lãi từ hoạt động khác tăng 68%. Riêng lợi nhuận tăng thêm từ mua bán chứng khoán và góp vốn mua cổ phần đã giúp lợi nhuận OCB tăng thêm 226 tỷ đồng trong quý, tăng 152,3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khác của OCB cũng đạt 58 tỷ đồng, tăng 68,5%. Riêng lãi từ hoạt động kinh donah ngoại hối giảm 13 tỷ, tức giảm 37% so với cùng kỳ.

Hầu hết các hoạt động kinh doanh đều mang lại lợi nhuận cao khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của OCB đạt 1.587 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.

Dù chi phí hoạt động quý II/2021 của ngân hàng tăng 81 tỷ đồng (tăng 15,3%), nhưng chi phí dự phòng rủi ro lại giảm tới 86 tỷ đồng (giảm gần 30%), nên lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý II/2021 vẫn tăng 28%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, OCB báo lãi trước thuế đạt hơn 2.661 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm.  

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của OCB là 167.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, lên gần 167.142 tỷ đồng.  Tổng huy động vốn từ thị trường 1 của OCB đạt 118.395 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Trong đó, huy động từ tiền gửi khách hàng đạt 96.215 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm.

Cuối quý II/2021, nợ xấu của OCB là  1.471 tỷ đồng nợ xấu, giảm nhẹ so với đầu năm và chiếm tỷ lệ 1,53%. Hiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 70%, tăng so với mức 62% đầu năm nay.

Mới đây, OCB đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu là ngày 3/8/2021, tỷ lệ phát hành 25% là ngày 3/8/2021 (tương đương phát hành 274 triệu cổ phiếu).

Trước đó, vào tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận cho OCB tăng vốn thêm tối đa gần 2.740 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng.

Ngoài chia cổ tức 25%, ĐHĐCĐ thường niên 2021 cũng đã “chốt” thêm 2 cấu phần tăng vốn khác của OCB là: chào bán 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm từ ngày phát hành, tỷ lệ giải tỏa 25% mỗi năm.

Sau khi thực hiện cả 3 đợt phát hành, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 14.449 tỷ đồng. Hiện OCB chưa thông báo thời điểm phát hành cổ phiếu ESOP cũng như chào bán riêng lẻ.  

Tin liên quan
Tin khác