Cứ 5 người lao động thì có 3 người lo sợ họ có thể mất việc vào tay AI trong 10 năm tới, theo kết quả khảo sát của OECD. Ảnh: AFP |
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết người lao động đang lo sợ họ có thể mất việc vào tay AI. Thế nhưng, hiện có rất ít bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của AI đang có tác động đáng kể đến việc làm, nhưng OECD cho rằng điều này có thể do cuộc cách mạng AI mới đang ở giai đoạn khởi đầu.
Trong báo cáo Triển vọng việc làm năm 2023 được công bố hôm 11/7, OECD lưu ý các công việc có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất chiếm trung bình 27% lực lượng lao động ở các quốc gia thành viên, trong đó các quốc gia Đông Âu có nguy cơ cao nhất.
Những việc làm gặp rủi ro cao nhất được định nghĩa là những công việc sử dụng hơn 25 trong số 100 kỹ năng và khả năng mà các chuyên gia AI cho rằng có thể dễ dàng tự động hóa.
Trong khi đó, cứ 5 người lao động thì có 3 người lo sợ rằng họ có thể mất việc vào tay AI trong 10 năm tới, theo kết quả khảo sát của OECD. Tổ chức này đã tiến hành khảo sát bao gồm 5.300 lao động tại 2.000 công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và tài chính tại 7 quốc gia thành viên. Điểm đáng lưu ý là cuộc khảo sát được thực hiện trước khi AI thế hệ mới như ChatGPT bùng nổ.
Bất chấp sự lo lắng về sự ra đời của AI, 2/3 số người lao động được hỏi cho biết tự động hóa đã khiến công việc của họ bớt nguy hiểm hoặc tẻ nhạt hơn.
"Trí tuệ nhân tạo cuối cùng sẽ tác động như thế nào đến người lao động tại nơi làm việc và liệu lợi ích có lớn hơn rủi ro hay không, sẽ phụ thuộc vào các hành động chính sách mà chúng ta thực hiện", Tổng thư ký OECD, ông Mathias Cormann, phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 11/7.
"Các chính phủ cần giúp người lao động chuẩn bị cho những thay đổi và hưởng lợi từ những cơ hội mà AI sẽ mang lại", ông Cormann nói thêm.
Tổ chức này cho rằng tiền lương tối thiểu và thỏa ước lao động tập thể có thể giúp giảm bớt áp lực mà AI có thể gây ra đối với tiền lương trong khi các chính phủ và cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền của người lao động không bị xâm phạm.
OECD gồm 38 thành viên, bao gồm hầu hết các quốc gia giàu có nhưng cũng có một số nền kinh tế mới nổi như Mexico và Estonia.