HN-VSDC lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2017, thu hút được 34 đội và gần 200 thí sinh tham gia |
Năm nay, HN-VSDC thu hút 44 đội và hơn 200 thí sinh của hơn 30 trường THPT, THCS tham gia, đến từ nhiều tỉnh thành, như Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Đà Nẵng, Hưng Yên, Thanh Hóa…
Các chủ đề tranh biện của HN-VSDC là các vấn đề như môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục… Với đề tài mở và mang tính thời sự toàn cầu chắc chắn sẽ tạo những trận đấu hấp dẫn, kịch tính với ý kiến, quan điểm mới từ các đội dự thi.
Đây là giải đấu tranh biện chính thức đầu tiên dành cho học sinh phổ thông được UBND TP.Hà Nội cho phép tổ chức và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Giải đấu được tổ chức theo thể thức VSDC (Vietnam School Debating Championship), thiết kế riêng cho học sinh phổ thông, dựa trên luật của Giải vô địch tranh biện thế giới các trường phổ thông (WSDC) và mở rộng cho học sinh Việt Nam trên toàn quốc.
Cuộc thi dành học sinh là công dân Việt Nam hoặc học sinh quốc tế trong độ tuổi từ 14 đến 19 tuổi (tính đến ngày 1/7/2019, đang học tập tại các trường THCS và THPT trong cả nước.
Học sinh tham gia theo đội, mỗi đội có từ 3-5 thí sinh, các đội đăng ký trên hệ thống của Ban tổ chức bắt đầu từ ngày 25/11 đến hết ngày 30/11/2018.
Tham gia HN-VSDC, học sinh không những được thử sức mình ở một cuộc thi tranh biện chuyên nghiệp, uy tín mà còn được rèn luyện kỹ năng viết sáng tạo, khả năng hùng biện tự tin, và tư duy phản biện sắc sảo. Đây là những kĩ năng đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của học sinh trong quá trình hội nhập thế kỉ 21.
HN-VSDC lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2017. Giải đấu đã thu hút được 34 đội và gần 200 thí sinh tham gia đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ngoài 3 đội xuất sắc nhất giành các vị trí vô địch, á quân 1 và á quân 2, 20 thí sinh đứng đầu được tham gia tuyển chọn vào đội tuyển đại diện cho Việt Nam tham gia giải quốc tế WSDC 2018 tại Croatia.
Thông qua giải đấu, Ban tổ chức mong muốn giúp học sinh Việt Nam có cơ hội giao lưu và học hỏi lẫn nhau ở tất cả lĩnh vực khoa học, nhân văn, kinh tế, văn hóa, chính trị, tôn giáo, môi trường… Tự tin trong việc thể hiện chính kiến bản thân, rèn luyện các kỹ năng xã hội, trau dồi kiến thức.
Đặc biệt, cách học qua hình thức tranh biện sẽ khuyến khích học sinh thay đổi cách học, không chỉ “đọc” lý thuyết, sách vở một cách đơn thuần mà phải chuyển hóa nó thành sự hiểu biết của bản thân, gắn với việc lắng nghe, đối thoại để trưởng thành.