Trên thị trường có tổng cộng khoảng 97 loại test xét nghiệm SARS-CoV-2. |
Trên thực tế, ngay từ tháng 3/2020 đã xuất hiện ý kiến về chuyện này khi Hà Nội thực hiện test nhanh Covid-19 cho người dân trên diện rộng. Năm nay, khi Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam, thì test nhanh Covid-19 nghiễm nhiên trở thành chuyện thời sự.
Do nhu cầu lớn, nên nhiều doanh nghiệp đua nhau nhập khẩu test nhanh về bán trong nước. Chiếu theo danh mục đã được Bộ Y tế cấp phép, trên thị trường có tổng cộng khoảng 97 loại test xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó, có 35 loại test xét nghiệm Real-time PCR, 39 loại test xét nghiệm kháng nguyên, 23 loại test xét nghiệm kháng thể.
Và một ma trận giá đã diễn ra khi nơi chào bán vài trăm ngàn đồng/test, nơi lại tiếp thị với giá vài chục ngàn đồng/sản phẩm, khiến không ít cơ quan, đơn vị, địa phương lúng túng, không biết nên chọn loại nào trong số hàng trăm sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép.
Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị, địa phương chọn mua các loại test kit đạt tiêu chí chất lượng, thương hiệu uy tín, sau đó mới tính đến giá. Song, cũng có nơi dựa vào danh sách cấp phép của Bộ Y tế, chọn giá rẻ nhất để mua nhằm tiết kiệm ngân sách. Cả 2 cách đều không sai, vấn đề là làm sao mua được sản phẩm tốt, mà giá không bị đội lên nhiều lần.
Về giá test nhanh, một đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã gây xôn xao khi cho hay, qua tìm hiểu, có những đơn vị bán bộ kit test nhanh Covid-19 chỉ khoảng 1,5 USD; nếu mua với số lượng lớn, trên 100 triệu test, giá bán còn khoảng 1 USD/test (dưới 25.000 đồng/test). Trong khi đó, nhiều địa phương đang đấu thầu với giá 80.000 - 100.000 đồng/test; các bệnh viện đấu thầu riêng lẻ mua test nhanh với giá trúng thầu 100.000 - 150.000 đồng/test. Giá test nhanh mà doanh nghiệp và người dân mua dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/test.
Nếu phát ngôn nêu trên của vị đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là có cơ sở, thì có thể dễ dàng hình dung được bài toán kinh tế. Theo đó, khi mua được test nhanh với giá thấp hơn giá hiện tại vài chục ngàn đồng, thì với 100 triệu test nhanh dự trù cần mua chống dịch, mỗi đơn vị, doanh nghiệp sẽ giảm được hàng tỷ đồng.
Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã gửi 2 thông cáo báo chí, trong đó khẳng định, giá kit xét nghiệm khác nhau tùy thuộc chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh. Bộ Y tế cũng cho hay, cơ quan này chưa tiến hành mua trực tiếp một test nhanh nào, chỉ tiếp nhận vật tư, sinh phẩm y tế, kit test nhanh, kit test PCR; còn việc mua sắm test nhanh do đơn vị, địa phương thực hiện.
Thực tế cho thấy, giá test nhanh Covid-19 cao không chỉ làm tăng chi phí chống dịch tại doanh nghiệp, địa phương, mà còn khiến giá các dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tăng theo, chưa kể tiêu cực phát sinh khi lơ là trong công tác quản lý. Bài học từ vụ hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR sau khi nhập khẩu về Việt Nam có giá thị trường hơn 4 tỷ đồng, nhưng bị doanh nghiệp “thổi” giá rồi bán cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan với giá hơn 9,5 tỷ đồng, khiến 10 bị can phải hầu tòa, có lẽ vẫn còn nguyên giá trị.
Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thì việc xử lý nhanh các tình huống khẩn cấp, đáp ứng kịp thời yêu cầu về thiết bị, vật tư y tế là rất cần thiết, song cũng cần có cơ chế thích hợp để thống nhất quản lý, kiểm soát giá những mặt hàng này.
Một trong những biện pháp trước tiên là phải thực hiện nghiêm việc thu và thanh toán chi phí xét nghiệm với từng đối tượng theo đúng quy định của pháp luật về giá. Sau nữa, qua theo dõi những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Bộ Y tế cần có các văn bản chấn chỉnh dịch vụ xét nghiệm, quản lý chặt cơ sở y tế, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng lạm dụng, lãng phí vật tư y tế.
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch; khẩn trương xây dựng hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm Covid-19 phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, có thể đề nghị đưa test nhanh vào danh mục sản phẩm bình ổn giá...
Chỉ quyết liệt thực hiện các giải pháp quản lý căn cơ, đồng bộ, thì mới ngăn chặn được tình trạng móc nối, đầu cơ, trục lợi trong cung cấp thiết bị, vật tư y tế nói chung và test nhanh Covid-19 nói riêng, qua đó góp phần thiết thực, giúp tiết giảm chi cho công tác chống dịch.