Sức khỏe doanh nghiệp
One Capital Hospitality muốn sở hữu trực tiếp Kem Tràng Tiền
Duy Bắc - 10/12/2022 08:03
Thay vì sở hữu gián tiếp thông qua công ty con, CTCP One Capital Hospitality (mã OCH – sàn HNX) muốn sở hữu trực tiếp tại Kem Tràng Tiền và Bánh Givral.

Cụ thể, One Capital Hospitality thông qua việc nhận 1.499.700 cổ phần CTCP Kem Tràng Tiền từ CTCP Bánh Givral. Sau chuyển nhượng, Kem Tràng Tiền sẽ là công ty con của One Capital Hospitality.

Thêm nữa, One Capital Hospitality cũng nhận chuyển nhượng 946.800 cổ phần CTCP Thực phẩm Fuji từ CTCP Bánh Givral. Sau chuyển nhượng, Thực phẩm Fuji sẽ trở thành công ty con của One Capital Hospitality.

Được biết, tính tới 30/9/2022, One Capital Hospitality đang sở hữu 99,68% vốn tại CTCP Bánh Givral và ghi nhận là đầu tư vào công ty con, đơn vị hoạt động chính là sản xuất kinh doanh các loại bánh, kem.

Như vậy, đây chủ yếu là chuyển sở hữu từ Công ty con sang công ty mẹ sở hữu trực tiếp tại CTCP Kem Tràng Tiền và CTCP Thực phẩm Fuji.

Theo tìm  hiểu, CTCP Kem Tràng Tiền thành lập năm 1958 và là một thương hiệu kem nổi tiếng tại Hà Nội.

One Capital Hospitality sẽ bán hàng loạt tài sản cho Công ty mẹ Ocean Group

Sau khi thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 11/2022, đã có 35 nhà đầu tư gửi phản hồi, đại diện 172,26 triệu cổ phiếu, chiếm 86,13% tổng số lượng cổ phần có quyền biểu quyết thông qua.

Đầu tiên, Công ty sẽ thay đổi trụ sở từ tầng 23, Tòa nhà Leadvisors Tower, số 643 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội sang địa chỉ mới là tầng 8, tòa nhà Leadvisors Tower, số 643 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

Như vậy. việc thay đổi trụ sở là đổi tầng nhưng vẫn nằm trong Tòa nhà Leadvisors Tower.

Thứ hai, Công ty thông qua việc phân loại và trình bày lại các thông tin về khoản phải thu khó đòi. Trong đó, điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng trên Báo cân đối kế toàn cho năm kết thúc tài chính ngày 31/12/2022 với khoản phải thu khó đòi đã trích lập 100% là 852,8 tỷ đồng (2.05 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng; 844,4 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác; 6,3 tỷ đồng phải thu dài hạn khác; và còn 86 triệu đồng trả trước cho người bán ngắn hạn).

Công ty cho biết các khoản nợ phải thu khó đòi của Công ty và các công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay và không có biến động, các khoản nợ này đều liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi.

Trong danh sách nợ phải thu khó đòi, các khoản lớn là 586,1 tỷ đồng của ông Hà Trọng Nam; 201,2 tỷ đồng của Công ty TNHH VNT; 56,8 tỷ đồng của bà Hứa Thị Bích Hạnh….

Thứ ba, Công ty thông qua việc cho phép Công ty cổ phần Lequidity Solutions mua cổ phần không phải chào mua công khai.

Trong đó, Công ty cổ phần Lequidity Solutions sẽ mua cổ phần từ CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group -Công ty mẹ của Công ty cổ phần One Capital Hospitality) để đạt hoặc vượt mức 25%, 35%, 45%, 55%, 65%, 75% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Lequidity Solutions được thành lập năm 2011, địa chỉ tại tầng 6 tòa nhà Indochina Plaza Hanoi-Tháp văn phòng, số 239-241 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội với người đại diện pháp luật là Kishi Shuhei. Được biết, Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà để ở.

Thứ tư, Công ty cổ phần One Capital Hospitality sẽ thoái toàn bộ 5.142.240 cổ phiếu tại CTCP Tân Việt với giá trị không thấp hơn giá trị sổ sách khoản đầu tư tại đơn vị này.

Thứ năm, Công ty sẽ thoái vốn toàn bộ 16.073.200 cổ phần tại CTCP Viptour-Togi và giá chuyển nhượng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư.

Thứ sáu, Công ty sẽ thoái toàn bộ 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang, giá chuyển nhượng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư.

Thứ bảy, Công ty sẽ thoái toàn bộ vốn tại Dự án Starcity Airport với mức giá tối thiểu bằng tổng chi phí đầu tư vào dự án trừ dự phòng.

Được biết, bên nhận chuyển nhượng cổ phần Dự án Starcity Airport, Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang, CTCP Viptour-Togi và CTCP Tân Việt là Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/12, cổ phiếu OCH giảm 400 đồng về 5.900 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác