Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha António Guterres. Ảnh: reuters |
Sau khi đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chính thức thông qua, ông Guterres phải được Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu tín nhiệm trước khi nhậm chức vào ngày 1/1/2017.
Từ ngày 21/7 đến nay, 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành tổng cộng 6 cuộc bỏ phiếu không chính thức và 1 cuộc bỏ phiếu chính thức để quyết định ai sẽ là tân Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Có tổng cộng 13 ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua vào vị trí này, đa số là các quan chức tới từ các nước Đông Âu - khu vực chưa từng có người giữ chức vụ đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.
Theo quy định, tiến trình bầu chọn Tổng thư ký Liên hợp quốc diễn ra tại các cuộc bỏ phiếu kín của HĐBA.
Từng nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra ý kiến của mình về từng ứng viên với việc có thể dành lá phiếu “khuyến khích” hay “không khuyến khích” đối với một ứng viên nào đó hoặc tuyên bố “không có ý kiến”.
Tuy nhiên, điểm mới của tiến trình bầu chọn người đứng đầu Liên hợp quốc năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của Liên hợp quốc, tiến trình bầu chọn và bổ nhiệm Tổng thư ký được dựa trên các nguyên tắc minh bạch.
Các quốc gia thành viên được quyền tiến cử người mình chọn, còn các ứng cử viên thì phải nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm tại những phiên điều trần của Đại hồi đồng Liên hợp quốc được phát sóng truyền hình trực tiếp đi toàn thế giới.
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha António Guterres đã có thâm niên hàng chục năm ở cương vị người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).
Ông sinh năm 1949 ở thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, và học ngành kỹ sư vật lý. Ông gia nhập đảng Xã hội vào năm 1974 và trở thành chính trị gia chuyên nghiệp.
Năm 1995, 3 năm sau khi được bầu làm tổng thư ký đảng Xã hội, ông giữ chức thủ tướng cho đến năm 2002. Ông thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ quốc tế, ông chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế, trở thành người phụ trách Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn vào năm 2005 và giữ cương vị này cho đến năm 2015.
Ông được ghi nhận là đã có nhiều nỗ lực không mệt mỏi để buộc các nước giàu nhất phải giúp đỡ nhiều hơn cho những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn những cuộc xung đột, nghèo đói và thiên tai.
Tổng thư ký Liên hợp quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki-moon đã khen ngợi ông Antonio Guterres là “sự lựa chọn tuyệt vời” để kế nhiệm ông./.