Những cú M&A ngoạn mục
Cho đến thời điểm này, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (TP.HCM), do ông Trần Tuấn Lộc - một doanh nhân trẻ thuộc thế hệ 8X, quê ở Nam Đàn, Nghệ An làm Chủ tịch, đã chính thức hoàn tất thương vụ M&A Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco4).
Việc thay đổi cơ cấu cổ đông sẽ không làm thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh của các Cienco |
Cụ thể, cuối tuần trước, đơn vị thực hiện dịch vụ tư vấn thoái vốn và chào bán cổ phần nhà nước tại Cienco4 là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã thông báo việc 21 triệu cổ phần do Nhà nước nắm giữ đã được bán thành công cho Tuấn Lộc, với giá 14.062 đồng/cổ phần. Lượng cổ phần này tương đương 35% cơ cấu vốn điều lệ của Cienco4 (600 tỷ đồng).
Như vậy, trong khi Nhà nước không còn nắm giữ bất kỳ cổ phần nào, với 16,5% cổ phần nắm giữ trước đó, Tuấn Lộc đã giành được quyền chi phối Cienco 4 - doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Ông Trần Tuấn Lộc hiện chỉ là Phó Chủ tịch HĐQT, trong khi cương vị Chủ tịch thuộc về ông Nguyễn Quang Vinh và ghế Tổng giám đốc thuộc về ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - hai người cũ của tổng công ty, nhưng chỉ giữ một lượng cổ phiếu rất nhỏ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Tuấn Lộc mua được Cienco4 có bề dày hoạt động tới 50 năm là một ẩn số thú vị, bởi người đi mua cách đây khoảng 6 năm vẫn là một nhà thầu xây lắp trong lĩnh vực giao thông ít tên tuổi. Tuấn Lộc chỉ thực sự được biết đến trong khoảng 3 năm trở lại đây khi tham gia đầu tư vào một số dự án cầu, đường lớn ở phía Nam theo hình thức BOT.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, ngoài Cienco4, Tuấn Lộc đang hướng tới một thương vụ M&A khá lớn khác khi vừa đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) cho phép mua cổ phần chi phối cảng Cửa Lò, Nghệ An - cảng biển lớn nhất khu vực Bắc miền Trung.
Tại Cienco 1 - đơn vị có số vốn điều lệ 700 tỷ đồng, toàn bộ 24,5 triệu cổ phần (tương đương 35%) còn lại của Nhà nước cũng sẽ được chuyển nhượng cho Liên danh Hassyu Việt Nam - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh. Trong đó, Hassyu đăng ký mua 17% vốn điều lệ; Yên Khánh xin mua 18% vốn điều lệ.
Nếu việc thoái vốn được thực hiện theo đúng kế hoạch nói trên, cơ cấu cổ đông tại Cienco1 khá cân bằng khi không một cổ đông chiến lược nào sở hữu quá 35% vốn điều lệ ít nhất là trên sổ sách chính thức, trong đó Yên Khánh và Hassyu cùng nắm 28%; Fecon nắm 10%; cán bộ công nhân viên trong tổng công ty nắm giữ 10,88% và cổ đông ngoài nắm giữ 23,12% thông qua IPO. Cienco 1 là tổng công ty xây dựng giao thông duy nhất không có thay đổi lớn về nhân sự cấp cao khi ông Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai vẫn giữ được vị trí cũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.
Và những bất ngờ thú vị
Ngoài Cienco4, Cienco 1, chậm nhất đến cuối tháng 12/2014, Bộ GTVT cũng sẽ hoàn tất việc thoái vốn triệt để tại một số Cienco khác nữa cho các cổ đông chiến lược sau khi được Chính phủ “bật đèn xanh”.
Cụ thể, mặc dù không tiến hành thoái hết vốn nhưng quyền chi phối tuyệt đối tại Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP sẽ thuộc về ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Thành viên đương nhiệm. Ông Nguyên vốn là lãnh đạo một nhà thầu xây dựng tư nhân có tiếng trong lĩnh vực xây dựng sẽ sở hữu tới 64,93% nếu hoàn thành việc mua lại 20%/49% cổ phần hiện do Nhà nước nắm giữ.
Đây là điều khá bất ngờ, bởi trước đó, Tổng công ty Vận tải thủy từng không thể tìm được đối tác chiến lược trước khi tiến hành cổ phần hóa. Trong quá trình IPO, doanh nghiệp này cũng phải mang về gần như toàn bộ 15 triệu cổ phần đem ra chào bán.
Ông Nguyên chấp nhận trở thành cổ đông của Tổng công ty này sau khi được lãnh đạo Bộ GTVT trực tiếp vận động, thuyết phục dù vận tải không có sở trường trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa và khai thác cảng.
Trước đó, các nhóm cổ đông tư nhân cũng đã giành quyền chi phối 2 Cienco lớn khác là Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco) và Tổng công ty Thăng Long - CTCP. Tại Tổng công ty Thăng Long, ông Phạm Quang Dũng, đại diện cho nhóm cổ đông Tasco – SHB đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng sau khi sở hữu lượng cổ phần chi phối cũng đã tiếp quản vai trò kép là CEO và Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinawaco.
Tại Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI), Chủ tịch Hội đồng quản trị đơn vị này đã đề nghị Bộ GTVT bán toàn bộ 49% cổ phần Nhà nước nắm giữ cho người lao động với giá bán bằng giá chào bán cho các cổ đông chiến lược. Hiện người lao động tại TEDI đang nắm khoảng 9,5% lượng cổ phần trong cơ cấu 125 tỷ đồng vốn điều lệ.
Một đơn vị từng rơi vào hoàn cảnh bết bát là Cienco 8 tới đây cũng sẽ tiến hành thoái hết vốn. Ông Phạm Xuân Thủy, Tổng giám đốc đơn vị này cho biết, sau lần IPO đầu tiên, số vốn Nhà nước tại Cienco 8 còn lại tới 72%. Tuy nhiên, hiện tại đang có ba nhà đầu tư “xếp hàng” để mua nốt. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 31/12 sẽ hoàn thành phê duyệt phương án để đầu tháng 1/2015 có thể bán cho nhà đầu tư.
Cần phải nói thêm rằng, các Cienco giao thông ngay từ đầu đã được xác định là Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, thậm chí có thể thoái hết vốn là lý do giải thích vì sao các doanh nghiệp này tạo được sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư dù từng bị dự đoán là khó cổ phần hóa.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do các đối tác chiến lược đều có cùng ngành nghề hoạt động, nên việc thay đổi cơ cấu cổ đông sẽ không làm thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh của ba đơn vị, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ và người lao động.
“Chỉ có cổ phần hóa một cách triệt để mới có thể làm thay đổi bản chất quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết.
Anh Minh