Doanh nghiệp
Ông chủ Vinamit: Từ cuộc chiến thương hiệu tới nông pháp… hữu cơ
Thị Hồng - 08/05/2018 15:26
Kinh nghiệm để đời sau cuộc chiến giành lại thương hiệu Vinamit tại thị trường Trung Quốc và cách đi vào nông nghiệp hữu cơ của ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit là những bài học sống động cho giới khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit
trong Chương trình CAFÉ KHỞI NGHIỆP tập 3

Quản trị đối tác không dễ                                                                                                                

Khi kinh doanh tại Trung Quốc, hồi năm 2008, ông Nguyễn Lâm Viên, sáng lập thương hiệu Đức Thành và sau đổi tên thành Công ty cổ phần Vinamit đã đăng ký bản quyền 2 thương hiệu này tại nước bạn.

Những tưởng sự cẩn trọng của người kinh doanh khi bước chân ra nước ngoài như vậy đã đủ để tự bảo vệ, nhưng không phải. Sau một vài bất đồng nội bộ, đại lý phân phối của Vinamit nắm được sơ hở của Vinamit là chưa đăng ký thương hiệu Đức Thành dưới tên tiếng Hoa. Họ lật kèo. Hoạt động kinh doanh của Vinamit tại thị trường đông dân nhất thế giới bị đình trệ, Vinamit bước vào cuộc chiến dành lại thương hiệu của mình.

Cuối năm 2012, trải qua 3 phiên tòa, Vinamit đã chính thức giành lại quyền sở hữu thương hiệu Đức Thành, dù chỉ bấu víu vào cơ sở, nếu chứng minh được, họ lợi dụng mối quan hệ làm ăn, từng thân quen để thôn tính thương hiệu.

“Chúng tôi đưa ra 20 bằng chứng để đấu suốt 4 năm trời”, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit kể lại.

Và bài học nhớ đời trên con đường kinh doanh của ông Viên được đúc rút chính từ cuộc chiến dành thương hiệu này. Đó là quản trị mối quan hệ với đối tác khi xuất khẩu sản phẩm nếu không thận trọng, tính toán kỹ lưỡng sẽ rất dễ “biến đối tác thành kẻ thù”.

“Đôi khi sơ hở vì để đối tác hiểu quá nhiều, đến lúc họ thấy có thể làm như mình, thì mình sẽ bị nguy hiểm, nhất là khi đối tác phân phối các sản phẩm với doanh số chục triệu USD mỗi năm”, ông Viên chia sẻ.

Nhưng, dù tốn nhiều công sức và chi phí lớn tới mức… không tưởng, chưa kể bỏ lỡ hàng loạt cơ hội kinh doanh, nhưng cuối cùng thì cuộc chiến kết thúc có hậu với Vinamit, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy.

“Không nên xem nhẹ việc đăng ký bản quyền thương hiệu, dù là thương hiệu nhánh, vì chi phí này thấp hơn so với hành trình ròng rã để đòi lại. Nhưng khi đã phải tham chiến để giành lại thương hiệu, thì động lực chiến đấu không chỉ là giá trị tài chính mà là giá trị của “đứa con tinh thần của mình”, Chủ tịch Vinamit nói. 

Nông pháp… hữu cơ

Sau nhiều năm chế biến xuất khẩu trái cây sấy, Vinamit nay lấn sân sang nông nghiệp hữu cơ khi đầu tư vùng nguyên liệu rộng 200 ha tại Bình Dương.

Công ty áp dụng công nghệ mới sấy lạnh chân không cung cấp sản phẩm không thuốc tăng trưởng, bảo vệ thực vật xuất khẩu thị trường Mỹ, giá trị cao hơn khoảng 5 - 10 lần so với giá bán thông thường hiện nay.

Nhưng, ông Viên thừa nhận, khó khăn lớn nhất với những doanh nghiệp tiên phong tham gia đầu tư nông nghiệp hữu cơ là không có đội ngũ nhân sự hiểu về canh tác hữu cơ. Nếu không có thông tin đầy đủ, không có những người am hiểu thì rất khó bàn về nông pháp mới này.

“Cộng sự của tôi họ chưa hiểu gì về canh tác hữu cơ. Không có trường đại học nào của Việt Nam dạy về canh tác hữu cơ. Các kỹ sư của tôi học về hóa học, về phân bón hóa học...”, ông Nguyễn Lâm Viên nói.

Và việc ông Viên đang làm là tìm kiếm, đào tạo, quy tụ được đội ngũ am hiểu nông pháp hữu cơ với gốc từ vi khuẩn. Mọi kế hoạch đang được triển khai tại phòng thí nghiệm (lab) của ông.

“Đến thăm lab nghiên cứu sinh hóa của anh (Nguyễn Lâm Viên - PV) mà thầm phục công sức đầu tư. Cả ngày anh loay hoay trong cái lab này, rồi đem cả dứa về trồng kiểu hữu cơ giữa phòng khách của biệt thự trung tâm Sài Gòn của anh, sáng tạo ra nông pháp hữu cơ ...”.

Đây là những dòng chữ bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ trên trang cá nhân khi viết về ông Viên và cách ông làm nông nghiệp hữu cơ, viết về những ngờ vực của nhiều chuyên gia về khả năng Việt Nam có thể làm nông nghiệp an toàn, nhất là nông nghiệp hữu cơ khi cho rằng, với lượng thuốc trừ sâu khủng được nhập vào Việt Nam, cách thức quản lý đất đai manh mún... làm sao “chịu nổi” yêu cầu khắc nghiệt của tiêu chuẩn hữu cơ? Theo bà Hạnh, nếu những câu chuyện hay của các doanh nghiệp đang làm với nông nghiệp không được nhiều người biết đến, thì có lẽ những nghi ngờ trên khó giải tỏa.

Ông Viên thì nghĩ đơn giản, ngắn gọn hơn về sự lựa chọn của mình. “Đất đai của chúng ta đang ngủ. Vinamit đang cùng các nhà khoa học trong nước phân lập vi khuẩn tốt, phục vụ cho nông pháp”, ông nói.

Ông tin tưởng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ một nền nông nghiệp hữu cơ và cung cấp cho thị trường nội địa tiềm năng.

“Nhiều người mong muốn sử dụng sản phẩm hữu cơ, nhưng chúng ta chưa chứng minh thuyết phục họ về sự khác biệt với sản phẩm hóa học. Đây là điều mà chúng tôi sẽ làm”, Chủ tịch Vinamit đặt mục tiêu.

CAFÉ KHỞI NGHIỆP là chương trình dành cho những người trẻ nhiệt huyết, đam mê và có hoài bão ghi dấu ấn của mình trên thương trường. Chương trình là nơi các Start-up đã, đang và sắp thành công gặp gỡ, chia sẻ về những chông gai trên con đường thực hiện mơ ước của cuộc đời.
Chương trình do HTV7 phối hợp cùng TV Hub Entertainment & Media độc quyền sản xuất và được phát sóng vào 7 giờ sáng thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7.
Website chương trình tập 3: https://www.youtube.com/watch?v=St0JnPrFO6Y
Baodautu.vn là đơn vị bảo trợ thông tin Chương trình CAFÉ KHỞI NGHIỆP.
Tin liên quan
Tin khác