Về việc Bộ Tài chính có công văn "đòi" BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất để lại cổ tức để tăng vốn của hai ngân hàng này là hợp lý vì hai ngân hàng này đang đứng trước áp lực tăng vốn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng: “Ngân hàng của nước ta khiêm tốn về tài sản so với khu vực nên nhu cầu tăng vốn là có. Tuy nhiên, có nhiều cách để tăng vốn. Phát hành tăng vốn từ phần cổ tức giữ lại không phải là giải pháp căn cơ vì số vốn rất nhỏ, không đáng kể. Nếu ngân hàng thương mại cần tăng vốn thì có nhiều giải pháp mạnh hơn, như thoái bớt vốn nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu chứ không phải bổ sung vốn một cách “nhỏ giọt” vì nguồn cổ tức giữ lại”.
Cũng theo ông Tiến, đề nghị BIDV và VietinBank trả cổ tức của Bộ Tài chính là thực hiện Nghị quyết của Quốc hội chứ không phải do ngân sách khó khăn.
“Kể cả ngân sách không bội chi lớn thì vẫn phải yêu cầu thu, vì đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, lợi nhuận phải đóng vào ngân sách, vì đây là tiền vốn của dân”, ông Tiến nói.
Mặc dù đưa ra yêu cầu phải trả cổ tức bằng tiền mặt, song đại diện Bộ Tài chính cho hay, trong trường hợp NHNN và hai ngân hàng thương mại giải trình hợp lý việc giữ lại cổ tức, Bộ Tài chính có thể cũng sẽ chấp thuận.
Nói thêm về vấn đề thoái vốn nhà nước tại các nhà băng lớn, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, cần tính toán giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng này, bởi việc Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn lớn khiến ngân hàng khó tăng vốn. Tuy nhiên, việc thoái vốn lại phải cân nhắc đảm bảo NHNN có thể thực hiện thông suốt các chính sách tiền tệ, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng yếu thế, các địa phương chịu thiên tai…
Trước đó, Bộ Tài chính cho hay, tại khoản 5 Điều 23 Nghị định 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: “Việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông.”
Tại Khoản 4 Điều 48 Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định về quyền, trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước: “4. Yêu cầu công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty.”
Đồng thời, tại Khoản 4 Điều 43 Luật số 69/2014/QH13 quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: “ 4. Yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện những nhiệm vụ quy định tại Điều 48 của Luật này”.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, trước khi tiến hành ĐHCĐ, hai ngân hàng trên đã gửi phương án chia cổ tức năm 2015 sang xin ý kiến Bộ Tài chính nhưng Bộ Tài chính chưa (hoặc chưa kịp) có ý kiến trả lời.