Ngân hàng - Bảo hiểm
Ông Đặng Văn Thành "trở lại" Sacombank
Thùy Vinh - 21/12/2019 09:16
Tối ngày 20/12, tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Sacombank, ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank bất ngờ xuất hiện khiến những người trong khán phòng và nhất là cán bộ nhân viên Sacombank vui mừng với sự xuất hiện của "cha đẻ" của Ngân hàng này.

Sacombank gặp khó khăn sau khi sáp nhập Southern Bank

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, việc sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) vào năm 2015 đã mở rộng quy mô của Sacombank, song cũng từ sau thương vụ sáp nhập này đã khiến Sacombank gặp khó khăn do phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu. Do phải ôm thêm nợ xấu từ SouthernBank.

Vì thế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNH) đã quyết định tái cơ cấu Sacombank. Trong những năm qua, Sacombank đã không ngừng nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu để làm sao có thể hoàn thiện việc tái cơ cấu trong thời gian nhanh nhất đưa Ngân hàng phát triển trở lại như vị thế trước đây.

Ngày 30/6/2017, cổ đông của Sacombank đã bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới điều hành Sacombank. Qua 2 năm rưỡi tái cơ cấu, HĐQT Sacombank cũng như toàn thể cán bộ nhân viên đã nỗ lực để gặt hái được những thành công nhất định.

Tổng tài sản của Sacombank tháng 1//7/2017 là 355.000 tỷ đồng đến 31/12/2019 là 457.000 tỷ đồng, tăng 28%. Tổng dư nợ cho vay huy động và cho vay cũng tăng 30% từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2019. Cụ thể, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư của Sacombank đến cuối tháng 12/2019 đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 1,75%.

Cũng theo ông Minh, khi mới tham gia vào HĐQT Sacombank nhiều người nghĩ rằng, ông tham gia vào ngân hàng là để trông chờ vào khối bất động sản của Sacombank. Tuy nhiên, bản thân ông cũng như Tập đoàn Him Lam đã không mua bất cứ một tài sản nào của Sacombank và không sử dụng vốn của Sacombank.

“Chỉ khi mình tuân thủ các quy định của pháp luật thì hệ thống mới đảm bảo được điều hành hoạt động một cách công khai, minh bạch", ông Minh bộc bạch.

Đã xử lý được gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank dự kiến đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông; tổng tài sản đạt 457.000 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 1,75%.

Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, trong hơn 2 năm qua, Sacombank đã xử lý được 39.400 tỷ đồng nợ xấu; thu hồi 13.000 tỷ đồng tài sản không sinh lời, giúp cho tài sản thu nợ trên tổng tài sản giảm từ 29,3% xuống còn 13,3%.

Đồng thời, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ 7,25% xuống còn 1,75%. Qua 2 năm rưỡi tái cơ cấu, lợi nhuận của Sacombank đã tăng trưởng, các tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ sinh lời tăng trưởng cao; cải thiện được năng suất lao động... Trong quá trình tái cơ cấu, HĐQT Sacombank chú trọng đến tái cơ cấu quản trị điều hành sau đó là tái cơ cấu ngân hàng. Năm 2019, Sacombank áp dụng triệt để Thông tư 41.

Chủ tịch HĐQT Sacombank đánh giá cao vai trò của ông Đặng Văn Thành – người sáng lập Sacomank và đã điều hành vị trí Chủ tịch Ngân hàng trong một thời gian dài. 

Chủ tịch Dương Công Minh: Ông Đặng Văn Thành vẫn là "Thành Sacombank"

Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, vào điều hành Ngân hàng Sacombank, nhưng hiện nay thương hiệu Sacombank luôn gắn chặt tên tuổi ông Đặng Văn Thành, mọi người vẫn gọi ông Thành là "Thành Sacombank". Còn ông chỉ là "Minh Him Lam", vì thế với mong muốn giữ được thương hiệu Thành Sacombank, ông Minh kỳ vọng ông Thành và vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc và con trai Đặng Hồng Anh sát cánh, tạo điều kiện tư vấn để phát triển Sacombank ngày càng tốt hơn. Tiến tới xây dựng Sacombank là ngân hàng hạnh phúc.

Có mặt tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm của Sacombank, nguyên Chủ tịch HĐQT - cũng chính là người sáng lập Sacombank, ông Đặng Văn Thành rất xúc động trước những lời phát biểu của ông Dương Công Minh – Chủ tịch Sacombank.

Theo ông Thành, sau 28 năm hình thành và phát triển, Sacombank đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Sacombank đã có sự chững lại trong khoảng thời gian dài hơn 5 năm qua.

“Thay mặt nhóm cổ đông sáng lập Sacombank, xin cảm ơn ông Dương Công Minh đã đứng ra nhận trọng trách tái cơ cấu Ngân hàng trong bối cảnh không mấy thuận lợi. Trải qua quá trình dài và phải đối mặt với biết bao áp lực từ cổ đông, dư luận để hôm nay có được thành quả là đưa Sacombank ngày càng tăng trưởng trở lại, dù có thể HĐQT Sacombank chưa hài lòng lắm với kết quả hiện tại", ông Thành nói và khẳng định, trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy 3 năm, HĐQT Sacombank đã cố gắng xử lý hầu hết các tồn tại nội tại, đồng thời hoàn thiện các chỉ số an toàn theo chuẩn quốc tế là một nỗ lực không ngừng của HĐQT và toàn thể cán bộ Sacombank.

Cách đây 3 năm, Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Dương Công Minh và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank đã có cuộc gặp ông Đặng Văn Thành để có lời mời xuất hiện tại lễ kỷ niệm Sacombank, song ông Thành từ chối và cho rằng, ở thời điểm đó chưa phù hợp để ông xuất hiện và đến nay ông cảm thấy phù hợp hơn khi xuất hiện trở lại tại sự kiện lớn của Sacombank. 

Ông Thành từng cho biết, ông chỉ trở lại vào một thời điểm thích hợp, thời điểm mà ông cảm thấy hưng phấn nhất. "Nói gì thì nói, nghề ngân hàng vẫn còn nằm trong máu, và tôi vẫn dành hết tình yêu cho lĩnh vực này", ông Đặng Văn Thành từng chia sẻ.

Thực tế, trước khi ông Dương Công Minh ngồi ghế "nóng" Chủ tịch Sacombank, một nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công đã có văn bản đề xuất tái tái cơ cấu Sacombank gửi đến NHNN, nhưng không thành công.

Ông Đặng Văn Thành là người sáng lập Sacombank với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Tới khi chuyển giao sau khi bị thâu tóm năm 2012, mạng lưới của ngân hàng này là 417 chi nhánh, hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ lúc đó lên tới 10.000 tỷ, tổng tài sản là 146.000 tỷ và lợi nhuận hàng năm cũng đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. 

Sau khi bị thâu tóm, Sacombank có dấu hiệu xuống dốc nhanh chóng với mức doanh thu năm 2016 là 5.119 tỷ đồng và lợi nhuận 373 tỷ đồng. Đầu năm 2017, NHNN thông báo đưa Sacombank, DongABank cùng với 3 ngân hàng “0 đồng” vào diện tái cơ cấu và tập trung xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Giá trị nợ xấu nội bảng của nhà băng này là 13.745 tỷ đồng, tương đương 6,9% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu cộng cả số đã bán cho VAMC và một số khoản phải thu từ Southernbank thì ước tổng giá trị nợ xấu tại nhà băng này lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác