Doanh nhân
Ông Đỗ Minh Toàn tiếp tục làm Tổng giám đốc ACB tới 28/2/2022
Vân Linh - 21/10/2021 13:58
HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhất trí gia hạn thời gian bổ nhiệm ông Đỗ Minh Toàn làm Tổng giám đốc đến hết ngày 28/2/2022 cho đến khi ông Từ Tiến Phát lên thay.

Ông Đỗ Minh Toàn, người giữ ghế điều hành Tổng giám đốc ACB qua 3 nhiệm kỳ

Trải qua 3 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng giám đốc từ năm 2012 đến nay, ông Đỗ Minh Toàn đã dẫn dắt, đưa ACB vượt qua các thách thức, đạt được các chỉ số tài chính vững chắc, vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu được ghi nhận bởi các tổ chức trong và ngoài nước, xây dựng nên một ACB đầy tham vọng nỗ lực vì mục tiêu Top 3 Ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, ông Toàn tiếp tục thực hiện các công việc trên cương vị Tổng giám đốc ACB, đồng thời sẽ cùng người kế nhiệm sắp tới là ông Từ Tiến Phát hoạch định hướng phát triển của ACB theo chiến lược kinh doanh đã đề ra.

Ông Từ Tiến Phát đang đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh liên tục trong nhiều năm và có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của ngân hàng.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB sẽ là người thay thế ông Đỗ Minh Toàn sau tháng 2/2022.

Cũng theo Chủ tịch ACB, tại ACB, đội ngũ lãnh đạo tài năng luôn là yếu tố quan trọng nhất trên hành trình phát triển trong 29 năm qua. Sự thay đổi thành viên Ban điều hành là một quá trình xây dựng và phát triển nhân sự kế thừa đã được hoạch định trong dài hạn để bảo đảm sự phát triển bền vững và ổn định của ACB.

Các thế hệ lãnh đạo kế thừa, trưởng thành từ nội bộ ACB đã được tôi luyện từ thực tế công việc, luân chuyển qua các vị trí khác nhau, và có những thành tựu khẳng định bản thân nên hoàn toàn đủ năng lực đảm nhận các vị trí quan trọng đưa ACB đến thành công.

Ông Huy chia sẻ thêm, với tài năng và kinh nghiệm xuất sắc của mình, ông Toàn nhận được sự tin cậy của HĐQT, Ban Lãnh Đạo và đội ngũ nhân viên sẽ tiếp tục tham gia vào đội ngũ ACB trên vai trò thành viên, cố vấn cấp cao trong các Ủy ban, Hội đồng quan trọng của ACB sau khi hoàn thành vai trò Tổng giám đốc.

9 tháng đầu năm nay, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) của ACB lần lượt cải thiện từ mức 1,7% và 22,9% lên 2,1% và 25,7%.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng mẹ là 475.505 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 330.743 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng đạt 366.206 tỷ đồng; còn tốc độ tăng trưởng cho vay và huy động của ACB có sự sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, tăng trưởng tiền gửi của ACB trong 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,6% so đầu năm; tăng trưởng tín dụng khả quan hơn khi đạt 7,5%, nhỉnh hơn mức 7,2% của toàn hệ thống.

Nhưng điểm tích cực khác đó là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB đã tăng từ mức 19,5% hồi đầu năm nay lên mức 23,2% đến cuối tháng 9/2021. Qua đó giúp cải thiện biên lãi ròng (NIM). NIM của ACB trong 3 quý đầu năm 2021 đạt mức 4,1%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Về chất lượng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng mẹ tại thời điểm cuối tháng 9/2021 là 2.792 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương đương tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.

ACB đã trích trước hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy mạnh lên mức 195%.

Trước đó, SSI Research cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý III của ACB tăng trưởng 13 - 15% so với quý III/2020. Tín dụng tăng trưởng chậm lại, ở mức 7 - 8% so với đầu năm nay hoặc 12% so với cùng kỳ năm trước và mặc dù NIM dự kiến giảm so với quý trước, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Kết phiên giao dịch sáng ngày 21/10, giá cổ phiếu ACB đạt mức 32.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với cuối phiên hôm qua. 

Tin liên quan
Tin khác