Gánh nặng thủ tục khiến nhiều chủ đầu tư còn chưa “dốc túi” cho các đại dự án đã có đất. Ảnh minh hoạ |
Dù trải qua một năm tương đối vất vả do chính sách kiểm soát tín dụng và việc rà soát lại các dự án, nhưng đa số doanh nghiệp địa ốc vẫn tự tin với các kế hoạch của mình trong năm 2020 nhờ quỹ đất khủng đang nắm giữ.
Khảo sát nhanh của Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, quỹ đất phát triển dự án được các doanh nghiệp chuẩn bị khá kỹ lưỡng, ở nhiều mức độ khác nhau và đảm bảo khá tốt cho kế hoạch triển khai dự án trong dài hạn, cũng như có thể huy động vốn khi cần thiết.
Trong đó, ngoại trừ Tập đoàn Vingroup với quỹ đất lên tới khoảng 16.400 ha, hiện nhiều ông lớn khác cũng nắm lợi thế với hàng ngàn héc-ta quỹ đất trong tay như TTC Land, Novaland, Alphanam…
Ở mức thấp hơn một chút, Nam Long, Đất Xanh, Khang Điền, LDG, Phát Đạt, Hà Đô, Năm Bảy Bảy, Thủ Đức House, Văn Phú Invest, Hải Phát Inves… cũng có lượng quỹ đất sạch lên tới hàng trăm héc-ta.
Điểm đáng chú ý là không chỉ trải dài trên các vị trí đắc địa ở nhiều tỉnh, thành phố, mỗi lô đất của các đơn vị này đều có diện tích lớn từ hàng chục đến cả trăm héc-ta, mức đủ để thay đổi cán cân sản phẩm bất động sản trong địa phương đó nếu doanh nghiệp quyết định… ra hàng.
Tất nhiên, đó sẽ là các đại đô thị mang lại cảnh quan mới cho địa phương, điều mà chính quyền sở tại kỳ vọng.
Đây được xem là một trong những sự khác biệt lớn so với trước đây, cho thấy tư duy của các nhà phát triển bất động sản đã chuyên nghiệp và dài hạn hơn.
Bởi lẽ, với nhu cầu hưởng thụ ngày một cao từ phía khách hàng, một dự án bất động sản dù là để ở hay để nghỉ dưỡng, họ cũng sẵn lòng chi ra khoản tiền lớn chỉ mong được đáp ứng trải nghiệm “all in one”. Và vì thế, buộc lòng quỹ đất mà các doanh nghiệp triển khai dự án phải đủ lớn để đảm bảo đáp ứng được các tiện ích như mong muốn của khách hàng.
Chưa có một nghiên cứu chính thức, nhưng theo đánh giá của nhiều đơn vị nghiên cứu, các dự án có hệ số đất xây dựng dưới 35% và phần còn lại dành cho đầu tư hạ tầng tiện ích cũng như không gian xanh thường có tốc độ bán hàng vượt trội so với các dự án không đảm bảo được các tiêu chí này.
Không những vậy, mức giá chào bán cho các khách hàng cũng đều cao hơn, thậm chí cao gấp vài lần so với những dự án cùng diện tích, vị trí triển khai, nhưng lại không đảm bảo được các tiêu chí nêu trên. Chưa kể, hiệu quả về mặt thương hiệu được duy trì trong dài hạn.
Một trong những ví dụ điển hình nhất có thể kể đến đó là trường hợp của ông lớn Vingroup. Nhờ vào việc tuân thủ theo định hướng “lấy hạ tầng tiện ích” để bán hàng, nên giá bán của các dự án do Vingroup triển khai thường cao hơn các chủ đầu tư khác ở cùng phân khúc, nhưng thanh khoản vẫn cũng cao hơn rất nhiều.
Thương hiệu của Vingroup cũng từ đó được xây dựng đủ lớn đến mức mua nhà của Vingroup thì đôi khi giá bán lại thành thứ yếu, mà nền tảng tiện ích hưởng lợi mới là trọng yếu. Điều này được thể hiện rõ sau thông tin gần đây cho biết, tập đoàn này có thể tạm dừng chương trình bán nhà thông qua đại lý, thay vào đó trực tiếp phân phối tới khách hàng.
Theo sau Vingroup, một số nguồn tin mà Báo Đầu tư Bất động sản nắm được, cũng sẽ có thêm một vài chủ đầu tư nữa định hướng xây dựng thương hiệu theo như vậy và tiến tới định hướng khách hàng “mua sản phẩm vì thương hiệu”.
Quay trở lại câu chuyện quỹ đất, như đã nói, tự tin vì quỹ đất, nhưng trong chia sẻ gần đây với người viết, đại diện một chủ đầu tư lớn cho rằng, băn khoăn lớn nhất khiến ông chưa “dốc túi” cho các đại dự án đã có đất chỉ là nỗi lo gánh nặng thủ tục.
Mặc dù Chính phủ và nhiều cơ quan, ban ngành đều nhất quán chủ trương phải sửa đổi các khuôn khổ pháp lý theo hướng tinh gọn, đơn giản, cắt giảm những thủ tục phiền hà nhũng nhiễu, nhưng cho tới nay, việc giải quyết vẫn khá chậm chạp. Thậm chí, nhiều quy định mới ra đời thay vì cởi trói lại có thiên hướng “bó buộc” doanh nghiệp địa ốc hơn trước.
Nếu năm 2020 tháo gỡ được vướng mắc này, thị trường chắc chắn sẽ nhanh chóng chuyển biến và bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững hơn.