Thị trường chuỗi quán cà phê còn khá rỗng ở tầm quy mô lớn. Trong ảnh: Một quán cà phê thuộc chuỗi Aha tại Hà Nội. Ảnh: Đ.T |
Các ông lớn đồng loạt “tấn công” chuỗi cà phê
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, mã CK: MSN) mới đây tiết lộ kế hoạch xem xét các mô hình kinh doanh mới để tạo tăng trưởng đột phá trong tương lai như thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) chuỗi cà phê... Cùng với đó, Masan Group cũng đang thử một số sản phẩm mới và sẽ đưa ra thị trường trước Tết Nguyên đán 2020. Những thông tin này khiến dư luận dậy sóng.
Sở dĩ, động thái này được đưa ra bởi kết quả kinh doanh các sản phẩm cà phê (thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng) của Masan Group không tăng trưởng trong quý III/2019.
Hai năm trước, Masan Beverage, công ty con của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (thuộc Masan Group) chi 1.700 tỷ đồng thâu tóm toàn bộ Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (thành viên của Tổng công ty Cà phê Việt Nam) với kỳ vọng mảng cà phê tiếp tục trở thành nền tảng trụ cột trong chiến lược phát triển ngành hàng đồ uống.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Vinacafé Biên Hòa vài năm trở lại đây khá trồi sụt. Là một trong 3 thương hiệu cà phê hòa tan thống lĩnh thị trường Việt Nam (bên cạnh Nestlé và Trung Nguyên) suốt nhiều năm liên tiếp, song năm 2017, doanh thu từ mảng cà phê và ngũ cốc của Vinacafé giảm rất mạnh, chỉ đạt khoảng 1.710 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ đồng so với năm 2016.
Nhãn hàng chiến lược của Vinacafé Biên Hòa là dòng cà phê hòa tan Wake-up báo cáo giảm doanh số 7,5%. Trong khi đó, những hướng đi mới như dòng sản phẩm cà phê phin de Nam cũng không mang lại hiệu quả tích cực. Đổi lại, doanh nghiệp này đã tìm được hướng đi mới từ thị trường nước tăng lực có vị cà phê.
2018 là năm đầu tiên, Vinacafé Biên Hòa chuyển đổi mô hình từ bán hàng hóa sang xây dựng thương hiệu, phân phối thông qua kênh bán hàng chuyên biệt của Masan Consumer. Bên cạnh đó, sản phẩm nước tăng lực vị cà phê Wake-up Coffee 247 tăng trưởng 57%. Đó là những nguyên nhân khiến doanh thu, lợi nhuận trong năm 2018 của Công ty tăng mạnh, vượt xa kế hoạch đặt ra. Doanh thu thuần đạt 3.435 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 637 tỷ đồng, tăng 72,5% so với năm 2017, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Với tiền đề này, năm 2019, Vinacafé Biên Hòa đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.500 - 3.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 650 - 750 tỷ đồng.
Thị trường cà phê rất màu mỡ, nhưng vô cùng khốc liệt, nhiều thương hiệu nhảy vào, nhưng cũng không ít tên tuổi phải ra đi, nên luôn có khoảng trống cho những nhân tố mới.
Cùng thời điểm Masan Group có ý định tấn công thị trường chuỗi cà phê, Công ty CP Tập đoàn PAN (The PAN Group, mã CK: PAN) cũng công bố đầu tư và nắm gần 80% cổ phần chuỗi Shin Cà phê. Ông Nguyễn Duy Khánh, thành viên HĐQT The PAN Group, người trực tiếp phụ trách thương vụ đầu tư vào start-up này khẳng định, Shin Cà phê là một mắt xích mới, rất phù hợp với chiến lược khi Tập đoàn tham gia mảng sản xuất và kinh doanh cà phê đặc sản.
“Bên cạnh tăng trưởng dựa vào nội lực, Tập đoàn luôn sẵn sàng cho các kế hoạch M&A. Ngoài các doanh nghiệp đầu ngành, PAN có chiến lược đầu tư vào những start-up tiềm năng để cùng thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông sản, thực phẩm Việt”, ông Khánh chia sẻ.
Bước chân vào lĩnh vực cà phê, PAN có lợi thế khá lớn về vùng nguyên liệu khi trước đó đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Đắk Lắk về việc xây dựng cơ sở trồng, chế biến, sản xuất cà phê thương hiệu, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Shin Cà phê được biết đến với sản phẩm cà phê đặc sản, song mới có 2 cửa hàng mang tính không gian trải nghiệm. Thế mạnh của Shin Cà phê nằm ở khâu sản xuất và cung cấp cà phê đặc sản, kiểm soát được vùng trồng và chất lượng chế biến ở các nhà máy do chính họ sở hữu.
Tiềm năng của thị trường cà phê đặc sản không hề nhỏ. Năm 2017, thế giới đã chi khoảng 60 tỷ USD cho sản phẩm này. Ở trong nước, người Việt dùng khoảng 170.000 tấn cà phê nhân mỗi năm, song nguồn cung nguyên liệu nhìn chung có chất lượng kém, sản xuất và tiêu thụ phân mảnh, mảng cà phê đặc sản hầu như không có.
Theo ông Khánh, từ lâu, PAN đã muốn thúc đẩy việc đưa hạt cà phê từ những vùng trồng chất lượng cao của Việt Nam ghi danh trên bản đồ thế giới. Hiện, PAN có trong tay hơn 150.000 điểm bán hàng trên cả nước và thị trường xuất khẩu tới 10 quốc gia. Các công ty thành viên của Tập đoàn với kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu, quy trình lựa chọn giống, canh tác sẽ giúp Shin Cà phê mở rộng vùng nguyên liệu.
Trên thế giới, ngay cả người khổng lồ trong ngành đồ uống như Coca-Cola cũng lên kế hoạch thực hiện cú hích lớn vào ngành cà phê khi dự kiến cuối năm sẽ tung ra sản phẩm Coke Coffee ở hơn 25 thị trường trên thế giới. Coke Coffee chứa ít đường hơn lon Coca-Cola cùng kích cỡ, cho phép hãng này bắt kịp xu hướng đồ uống có hương vị cà phê.
Mô hình nào cho các chuỗi cà phê?
Sự có mặt của nhiều thương hiệu lớn nhỏ đang khiến thị trường chuỗi quán cà phê thêm sôi động. Để giành miếng bánh thị phần, mỗi tên tuổi đều phải xây dựng chiến lược riêng, xác định phân khúc khách hàng và tìm cách giữ được khách hàng trung thành.
Thị trường chuỗi quán cà phê hiện còn khá rỗng ở tầm quy mô lớn, dù phân khúc này đã có nhiều thương hiệu triển khai, nhưng chưa xứng tầm. Lý do có thể là không muốn làm, hoặc đã làm nhưng chưa tới. Một số chuyên gia nhận định, với kế hoạch công bố mới đây, Masan Group có thể M&A chuỗi đang hoạt động trên thị trường để đẩy mạnh quy mô, tăng độ phủ, hoặc có thể tự gây dựng một loạt quán kiểu nhà phố kết hợp xe cà phê vỉa hè. Mô hình này cũng rất phù hợp với triết lý kinh doanh của Masan Group và tận dụng được nguyên liệu cà phê có sẵn.
Trong khi đó, lại có quan điểm cho rằng, Masan Group lấn sân sang chuỗi cà phê để xây dựng thương hiệu thì được, chứ mở chuỗi để kỳ vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, thì cần nghiên cứu rất kỹ mô hình.
Thời gian vừa qua, Trung Nguyên, Highlands Coffee và Vinacafe đua nhau mở quầy cà phê bên đường hoặc cửa hàng diện tích nhỏ, nhắm đến khách hàng bận rộn, bình dân hơn theo xu hướng thịnh hành là cà phê take-away (mang đi).
Trung Nguyên bắt đầu thử nghiệm mô hình E-Coffee với các cửa hàng diện tích 4 - 40 m2, ưu tiên khách hàng mua mang đi. Hệ thống này sở hữu hơn 130 cửa hàng tại 17 tỉnh, thành phố. Đến nay, với chính sách phí nhượng quyền 0 đồng, tốc độ mở mới của Trung Nguyên E-Coffee đạt trung bình 10 cửa hàng/ngày. Ngoài ra, chuỗi này còn hợp tác với 1.000 chuỗi cửa hàng tiện lợi và mở điểm bán tại các trạm dừng chân cho khách du lịch.
Highlands Coffee cũng dựng quầy cà phê nhỏ ngay trước các cửa hàng lớn của hãng, phục vụ nhu cầu mua mang đi, với mức giá khoảng 29.000 đồng/ly. Vinacafe dù không sở hữu quán cà phê nào, nhưng cũng mở xe đẩy ngay trước cổng trụ sở ở TP.HCM, mỗi ly cà phê mang đi có giá chỉ 12.000 - 14.000 đồng.
Hiện các thương hiệu cà phê có nguồn gốc trong nước đang được ưa chuộng có thể kể đến là Highlands Coffee, Cộng, Aha, Viva, Milano, Napoli, Ecoffee, The Coffee House…, dù các thương hiệu này có thể đang thua lỗ hay ăn nên, làm ra.
Trong khi đó, các chuỗi thương hiệu ngoại vào Việt Nam qua hình thức nhượng quyền tập trung vào tầng lớp trung lưu, giá bán tương đối cao, cộng với chi phí mặt bằng liên tục tăng, nên chịu áp lực rất lớn. Đó là những tên tuổi từng xuất hiện rồi “bỏ cuộc chơi”, đến những tên tuổi đang bám trụ thị trường như Gloria Jean’s Coffee (Australia), Coffee Bar, Coffee Bene, The Coffee Bean & Tea Leaf, Starbucks…
Khoảng 20 năm trước, cà phê ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển, định vị gu dùng cà phê thơm, sánh... nên các thương hiệu lớn cũng phải đi theo hướng này để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Thời gian sau, các chuỗi cà phê ngoại đổ bộ vào Việt Nam đã tạo ra một làn sóng dùng cà phê theo gu mới. Hiện tại, người Việt Nam đã chuyển sang dùng cà phê sạch, chất lượng cao, cà phê pha máy. Một số thương hiệu trong nước nổi lên như The Coffee House, Phúc Long... thu hút người dùng chấp nhận xu hướng này.
Với những “ông lớn” nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng tiêu dùng như Masan Group, khi gia nhập thị trường chuỗi cà phê, chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp, mô hình kinh doanh hiệu quả. Song, một điều không thể phủ nhận, để cạnh tranh trên thị trường, các chuỗi cần giải cùng lúc nhiều bài toán như thuê mặt bằng, chi phí vận hành, chất lượng dịch vụ...