Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên chất vấn và tái chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Hà Nội khoá XV. Ảnh: Gia Huy |
Giải trình tại phiên chất vấn và tái chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Hà Nội khoá XV giữa tuần qua, ngoài nhấn mạnh Hà Nội không có chủ trương thay thế cây xanh ở Hồ Gươm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, sắp tới có 3 hạng mục cần phải nghiên cứu thực hiện tại Hồ Gươm là nạo vét, làm sạch, chỉnh trang ánh sáng, ốp lát lại hồ bằng đá tự nhiên.
Quy trình thủ tục của công việc này đã được UBND Thành phố giao cho quận Hoàn Kiếm xin ý kiến các nhà khoa học; các Bộ, ban, ngành liên quan. Sau khi có kết luận, Hà Nội sẽ công khai để người dân có ý kiến và tham gia giám sát.
Về vấn đề trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố trồng mới trên 444 nghìn cây, cắt tỉa trên 48 nghìn cây. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2017 cắt tỉa 20 nghìn cây, trồng bổ sung 200 nghìn cây các loại.
Ông Nguyễn Đức Chung cam kết, đến năm 2020 Thành phố dự kiến hoàn thành Chương trình 1 triệu cây xanh.
Liên quan đến vấn đề dịch chuyển cây xanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trong quy hoạch phát triển Thủ đô về hạ tầng đô thị, quan điểm nhất quán của Thành phố là chọn phương án quy hoạch đầu tư xây dựng vừa bảo tồn được cây xanh hiện có vừa trồng mới thêm, với mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh trên đầu người để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe nhân dân.
Hà Nội là đô thị được định hướng phát triển giao thông mạnh trong tất cả các luật của quy hoạch. Hiện nay, đường sá giao thông Thủ đô chỉ chiếm dưới 10% diện tích đất tự nhiên. Để thích ứng với yêu cầu cuộc sống hiện đại thì giao thông (tĩnh và động) phải chiếm một tỷ trọng khoảng 20%-25% diện tích đất tự nhiên. Với tốc độ phát triển kinh tế nói chung và sự phát triển của giao thông nói riêng, đã dẫn đến hiện tượng phải cải tạo và mở rộng đường phố trong 70 năm qua.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, vấn đề này vì thế liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, không gian kiến trúc hai bên đường và đặc biệt khó tránh khỏi đụng chạm đến cây xanh.
Quan điểm nhất quán của Thành phố trong quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu và phải bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện biện pháp giải tỏa, chặt hạ.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số cây cấp phép dịch chuyển, chặt hạ là 864 cây, trong đó chặt hạ 335 cây; dịch chuyển 529 cây cho các phương án: Phương án cải tạo và trồng cây xanh trên tuyến phố hai bên bờ sông Tô Lịch, quận Thanh Xuân; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội (công trường BTM); Dự án đầu tư xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ phố Tô Hiến Thành đến phố Đại Cồ Việt), quận Hai Bà Trưng…
Dự báo việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh trong 2017-2018, cây xanh được cấp phép chặt hạ, dịch chuyển thuộc các dự án: Đường vành đai 2 - Toàn tuyến; đường vành đai 3-Đường Phạm Văn Đồng; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Dự án mở rộng Quốc lộ 70 đoạn đường Xuân Phương, Đại Mỗ và Sa Đôi, quận Nam Từ Liêm; Dự án xây dựng nút giao Tuyến số 1 với đường 70, đường Xa La - Văn Phú; Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc lắp đặt các tuyến cáp ngầm 110KV từ trạm 220KV Long Biên, quận Long Biên 174 cây xanh và bãi đỗ xe ngầm trước Công viên Thống Nhất.