Theo ông, điều kiện thuận lợi nào để Phú Quốc sớm hình thành nên mô hình Đặc khu kinh tế?
Có thể nói, ở Phú Quốc hội đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội để phát triển nền kinh tế mở cửa, hướng ngoại và trở thành điểm nhấn về kinh tế - xã hội, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển. Đặc biệt, Phú Quốc là huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Thời gian qua, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển Phú Quốc thành Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, trung tâm kinh tế - thương mại - khoa học công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới vào năm 2020 và tầm nhìn 2030. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển đã được đầu tư một bước quan trọng, như: Cảng hàng không quốc tế, cảng biển hành khách và hàng hóa nội địa, hệ thống cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng, bệnh viện đã được xây dựng, hệ thống điện lưới quốc gia các tuyến đường giao thông chính đã được hoàn thiện; các hạ tầng du lịch đã và đang nhanh chóng đầu tư phát triển ở Phú Quốc; nhiều công trình phục vụ du lịch, vui chơi, giải trí đã được đầu tư.
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nghị |
Nhiều cơ chế chính sách và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng đã được ban hành theo hướng ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác phát huy tiềm năng lợi thế của Phú Quốc.
Với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực của địa phương, đến nay Đề án xây dựng mô hình Đặc khu kinh tế Phú Quốc cơ bản đã hoàn thành, đang trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét.
Mô hình Đặc khu Kinh tế Phú Quốc sẽ có tính cạnh tranh cao trong nước và khu vực quốc tế ở những điểm nào, thưa ông ?
Quan điểm chung khi xây dựng mô hình Đặc khu kinh tế Phú Quốc là cần xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của đảo Phú Quốc với các đặc khu kinh tế của các nước trong khu vực và phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Do đó, việc xây dựng mô hình Đặc khu kinh tế Phú Quốc không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ chế chính sách mà cùng với đó là xác định về mô hình quản lý đủ sức cạnh tranh quốc tế, để thu hút mạnh đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn có năng lực thật sự. Trong đó, tập trung tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi trong việc: miễn thị thực, tài chính, ngân hàng, thuế và hải quan, chính sách về đất đai, qui hoạch, đảm bảo an ninh trật tự, nguồn nhân lực,..
Với cơ chế, chính sách cạnh tranh quốc tế cùng với mô hình quản lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển mới thì Phú Quốc sẽ sớm phát triển thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long như chủ trương của Trung ương và Chính phủ đã xác định.
Đây là mô hình mới ở Việt Nam. Do vậy trong quá trình triển khai, liệu có khó khăn nào không, thưa ông?
Mô hình Đặc khu kinh tế cũng là nơi áp dụng nhiều cơ chế và chính sách mới, do đó xây dựng mô hình Đặc khu kinh tế ở Phú Quốc không tránh khỏi lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Vì thế chúng tôi cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực, cũng như các địa phương khác có đặc điểm tương tự.
Trước mắt, mô hình đặc khu sẽ giải quyết căn bản những vướng mắc cho Phú Quốc hiện nay. Với chính quyền cấp huyện, hiện nay Phú Quốc phải quản lý hàng chục ngàn ha đất du lịch và thương mại dịch vụ, trên 200 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ USD đang triển khai đầu tư. Mỗi năm có trên 1.000 vụ khiếu kiện bồi thường và tranh chấp đất đai huyện phải thụ lý giải quyết, chiếm 50% số lượng của cả tỉnh Kiên Giang.
Với điều kiện tự nhiên đặc thù như Phú Quốc, thì việc tập trung thu hút đầu tư theo định hướng phát triển theo quy hoạch, cùng với cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh và mô hình quản lý phù hợp, tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển mới, chắc chắn Phú Quốc sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.