Doanh nhân
Ông Nguyễn Xuân Trường, Sáng lập Rootopia: Chắp cánh giấc mơ cho người trẻ
Anh Hoa - 30/01/2023 10:55
Cảm hứng mỗi ngày của Trường Bomi giờ đây là nhìn vào giao diện đầu tư ở Rootopia xem hôm nay đã giúp được thêm bao nhiêu bạn trẻ tới trường, bao nhiêu gia đình đỡ đi gánh nặng lo toan tài chính.
TIN LIÊN QUAN

 

Trường Bomi còn được biết đến là người tích cực tham gia các phong trào thể thao trong giới khởi nghiệp. Trong ảnh: Nhà sáng lập Rootopia tham gia Ironman Đà Nẵng năm 2022 với 3 môn phối hợp bơi - xe đạp - chạy bộ

Để giấc mơ học hành không phải là gánh nặng

Ông Nguyễn Xuân Trường (Trường Bomi) có một công việc với thu nhập ở mức trên trung bình. Dẫu vậy, là bố của 3 đứa con, ông cũng phải thừa nhận, để có thể vẹn toàn lo cho một đứa trẻ chẳng phải là điều dễ dàng. Nhiều khi nhận được yêu cầu đóng học phí một lần cho cả kỳ học của con, ông cũng khá loay hoay, chỉ mong có một giải pháp trả góp học phí, để gia đình giảm bớt lo toan.

Đây không phải là tâm tư của một vài phụ huynh. Khi làm việc tại Ahamove và MoMo, ông Trường gặp những hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều, có người phải làm thêm 2 - 3 nghề để lo tiền đóng học cho con, có người còn phải đèo con đi ship hàng giữa thời tiết khắc nghiệt.

Trường Bomi thừa nhận, càng tìm hiểu về mảng này, ông càng có hứng thú. Học phí luôn có xu hướng tăng, chưa kể lạm phát luôn có nguy cơ “bốc lửa”, trong khi mức thu nhập của phần nhiều gia đình không tăng nhanh như thế. Thành ra, khó khăn sẽ ngày càng bủa vây những đứa trẻ muốn tiếp cận những tầng cấp giáo dục, dù ở mức cơ bản nhất. 

Vì thế, ông cùng một số cộng sự đồng chí hướng bắt đầu những bước đầu tiên và khởi sự Rootopia từ đầu năm 2021. Từ đó tới nay, nhóm vẫn thống nhất một tầm nhìn, đó là làm sao có thể giúp được nhiều hơn nữa các gia đình tiếp cận các lớp học, trường học, kể cả ở mức cơ bản nhất, để chắp cánh giấc mơ học hành cho các bạn trẻ. 

Tháng 11/2022, Rootopia được 3 quỹ đầu tư Genesia Ventures, ThinkZone Ventures và BK Fund rót vốn 1 triệu USD vòng Pre-seed (tiền hạt giống). Thông thường, khi được rót vốn ở bất cứ vòng đời nào của khởi sự dự án, các nhà sáng lập đều công khai định hướng sử dụng đồng tiền đó. Rootopia không ngoại lệ.

Đặc biệt, với đội ngũ dẫn dắt vòng gọi vốn khá hoành tráng, nhiều nhà đầu tư đặt mục tiêu các bài toán cốt yếu phải được giải quyết trọn vẹn. Nhưng Trường Bomi nói vui: “Vòng hạt giống và các vòng đầu tư khác cũng giống như tên gọi, start-up có thể ‘nảy mầm’ hay không còn cần nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Rootopia đang giải nhiều bài toán cùng lúc. Đầu tiên là tìm kiếm những động cơ tăng trưởng mới mạnh mẽ. Đó có thể là những hướng tìm kiếm các khách hàng cần hỗ trợ trả góp học phí, hoặc ra mắt những sản phẩm mới phục vụ các nhu cầu của “vũ trụ” đi học như tìm kiếm khóa học, trả góp dụng cụ học tập hay học bổng.

Đặc biệt, họ cùng nhau nghiên cứu để loại bớt một số giới hạn khiến quy trình vay trả góp học phí trở nên dễ tiếp cận hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ an toàn cho người vay, Rootopia và nhà đầu tư. Khá nhiều người tìm tới giải pháp trả góp học phí đều là những người lao động tự do hoặc kinh doanh buôn bán nhỏ. Họ là những người có lương tháng trồi sụt, nên khó đánh giá mức thu nhập và khả năng trả nợ của họ. “Khó nhưng chúng tôi vẫn xác định sẽ làm, bởi đó là cách để hỗ trợ những người có nhu cầu thực sự”, ông Trường nói.

Cuối cùng, để sản phẩm tiện lợi và dễ dùng hơn là điều luôn đau đáu trong mỗi người làm ở Rootopia. Ngoài trả góp học phí, họ kỳ vọng nền tảng công nghệ của Rootopia có thể cung cấp nhiều giá trị hơn để hỗ trợ phụ huynh và học viên. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Mỗi ngày trôi qua là một ngày đội ngũ hiểu chức phận của mình.  Rootopia đang nỗ lực tạo nên làn gió mới nho nhỏ mỗi ngày.

Trường Bomi kể, cảm xúc của ông bị xáo trộn nhiều nhất khi trò chuyện với khách hàng. Đó có thể là một phụ huynh đang bù đầu lo toan học phí đại học cho con, là một học viên đang muốn tự túc món học phí nâng cao trình độ bằng khoản lương hàng tháng, có thể là một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ những trải nghiệm khi cùng Rootopia chung tay hỗ trợ một hoàn cảnh đặc biệt nào đó được tới trường.

Đó cũng có thể là các thành viên ở trường đối tác của Rootopia với trăn trở trong việc vừa hỗ trợ học viên đi học, vừa cân bằng bài toán tài chính để nhà trường có thể vận hành trơn tru. Đội ngũ Rootopia cũng được ông Trường dành rất nhiều thời gian để tâm sự.

Đôi khi những ý tưởng về sản phẩm mới nảy sinh trong một buổi ăn trưa, ở một vài cuộc họp, khi trò chuyện với khách hàng… Có khi, sau chuỗi ngày “thâu đêm, suốt sáng” trong quá trình xây dựng sản phẩm, các “đầu não” của Rootopia mới nảy sinh những cải tiến nho nhỏ để đến gần với mục đích tối thượng của mình... “Chỉ mong sao ngày càng có nhiều bạn trẻ được chắp cánh giấc mơ học hành”, Trường Bomi nói.

Những “cái duyên” tình cờ… biến thành động lực khởi sự 

Trường Bomi bảo, khi bắt tay thực hiện, mới thấy khởi sự không đẹp như giới truyền thông thêu vẽ. Những cụm từ như đốt tiền, chết sặc gạch, chui đầu vào rọ… luôn thu hút người đọc trở nên quen thuộc với ông.

“Start-up nào từ zero cũng dễ gây dựng tình bằng hữu từ công việc, miễn là có mục tiêu chung để tiến tới, có thách thức để vượt qua. Tình bằng hữu lan rộng giữa các tổ chức có cùng tầm nhìn, chiến lược và mục tiêu bổ khuyết”.

 

Nhưng với Rootopia, ông muốn mình kín đáo, nhẹ nhàng hơn, tránh “ăn nằm” với những phát ngôn cạnh tranh kiểu “gây chiến” như thời làm Ahamove hay MoMo. “Tôi không thích sự ồn ã, phô trương, mà chỉ muốn tập trung vào việc tạo lập thêm giá trị mới cho thị trường, cho người dùng trong thị trường ngách nhỏ - nơi mà các tổ chức tài chính lớn chưa làm, hoặc làm chưa tới”, ông chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư từ Genesia Ventures tại Việt Nam dẫn dắt vòng gọi vốn đầu tiên vào Rootopia cho rằng, sự kết nối sâu sắc đã đưa ông Trường quay trở lại với tinh thần khởi sự mạnh mẽ và sứ mệnh chắp cánh ước mơ học đường tại Việt Nam. Theo bà, có lẽ rất khó có thể tìm được ai là nhà sáng lập có tính kết nối tới động lực khởi nghiệp ở mảng tài chính học đường này một cách sâu sắc như ông Trường.

Trường Bomi  từng là một trong những sinh viên ưu tú tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên, theo đuổi lý tưởng mang kiến thức tới các sinh viên. Tại đây, ông đã tạo cho mình “cái duyên” đầu tiên - tính kết nối sâu sắc với nhiệm vụ đào tạo.

Sau đó, “cái duyên” lại đến khi ông được nhận học bổng Chính phủ - khoản bảo trợ toàn phần để sang Mỹ học MBA với quyết tâm đi học để trở về. “Cái duyên” này chính là sợi dây kết nối tiếp theo đưa ông tìm thấy ý nghĩa lớn lao của những khoản bảo trợ chắp cánh con đường học tập bay xa. 

Đúng như quyết tâm, ngay sau khi tốt nghiệp xuất sắc với thành tích thuộc tốp du học sinh quốc tế tiêu biểu tại Đại học Missouri (Colombia, Mỹ), ông Trường trở về Việt Nam để tiếp tục những hoài bão lớn lao của mình.

Ông đã rất bản lĩnh “dấn thân và ngụp lặn sâu” vào các công ty start-up. Trong đó, ông trở thành đồng sáng lập và CEO của Ahamove - dịch vụ giao hàng nhanh và tiện lợi nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Scommerce. Tại đây, ông có những bài học quan trọng trong phát triển mô hình kinh doanh hiệu quả, đưa start-up đạt được “sản phẩm - thị trường - phù hợp” khi liên tục mở rộng bền vững tập người dùng là đối tác tài xế vận chuyển lên tới hơn 50.000 người hoạt động thường xuyên trong tháng tính tới hết năm 2018.

Sợi dây kết nối tiếp theo đưa ông tới MoMo, với vai trò là Giám đốc dịch vụ Social Payment - xã hội hóa thanh toán di dộng thông qua dịch vụ chuyển tiền (P2P), bao gồm cả thanh toán học phí. Ông tiếp tục học hỏi và tích lũy rất nhiều kinh nghiệm phát triển sản phẩm dựa trên sự am hiểu nhu cầu và thói quen thanh toán học phí của phụ huynh và học sinh. Ông cũng tìm thấy sứ mệnh của mình trong việc góp phần tạo ra quyền bình đẳng để tiếp cận các hỗ trợ tài chính cần thiết cho cả những người đã có và chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Tất cả những “cái duyên” đó đến với ông một cách tình cờ, nhưng lại mang tính kết nối sâu sắc ông với động lực khởi sự của mình và đưa ông bắt đầu hành trình start-up mới thông qua Rootopia.

Bà Dung từng rất ấn tượng với đôi mắt sáng rực lên của Trường Bomi khi ông nhắc đến lý tưởng, tầm nhìn cao đẹp dựa trên một động lực thôi thúc mạnh mẽ từ những điểm kết nối kể trên. Đó là một trong những lý do quan trọng để bà theo đuổi thương vụ đầu tư vào Rootopia với tư cách là nhà đầu tư dẫn dắt vòng vọi vốn tiền hạt giống.

“Tôi ưa thích đầu tư vào start-up giải quyết một bài toán trong thị trường mà ở đó, cầu phải lớn, thậm chí có thể vượt quá cung, nếu bằng với cung thì quá lý tưởng, nhưng rất hiếm có trong thị trường”, bà Dung chia sẻ. Rootopia là một trong các start-up mà bà dẫn dắt đầu tư trong năm 2022 tại Việt Nam điển hình cho quan điểm đó.

Thế giới này quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm. Trường Bomi luôn sẵn sàng làm mới mình, học tập, khám phá và dấn thân để bắt đầu một hành trình mới với nhiều kỳ vọng giống như Rootopia.

 

Sau khi tốt nghiệp MBA ở Mizzou (Đại học Missouri, Colombia, Mỹ), Trường Bomi đưa gia đình nhỏ trở về Việt Nam tháng 1/2014, bắt đầu dấn thân vào hành trình khởi sự kinh doanh.

Sau 2 thất bại với uGenius - một phần mềm giáo dục tiếng Anh cho tuổi mầm non với mong muốn lũ trẻ được vừa học vừa chơi qua trải nghiệm trực quan trên app (smartphone, iPad) “như con nhà mình hồi bên Mỹ”, và Olymsearch - mô hình Google for Shopping, ông chuyển qua làm Adayroi, sau đó bén duyên với Ahamove vào năm 2015. Sau khi đưa Ahamove phủ khắp các nẻo đường, năm 2019, ông rời vị trí CEO rồi gia nhập MoMo, làm mảng Social Payment mới khai sinh.

 

Tin liên quan
Tin khác