Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái. |
Mong muốn được chung tay
15 phòng lấy mẫu xét nghiệm di động đã được nhóm thiện nguyện TML hoàn tất, gửi tới CDC Hà Nội, CDC Bắc Giang, CDC Bắc Ninh. Tin từ các nơi gửi về, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái không thể có mặt trong chuyến đi, nhưng ông theo dõi không thiếu thông tin nào.
Chỉ hơn 20 ngày trước, ngay khi ý tưởng thử nghiệm nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt phòng lấy mẫu xét nghiệm di động được nhóm thiện nguyện đưa lên truyền thông để tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ, ông Đoàn đã có mặt. Khi tính riêng khoảng thời gian đợt dịch thứ 4 bùng phát, Phú Thái đã dành hơn 2 tỷ đồng ủng hộ các hoạt động phòng chống dịch, trong đó 1,5 tỷ đồng dành cho Quỹ Vắc-xin của TP. Hà Nội và các quận, huyện; số còn lại ủng hộ các điểm cách ly ở Hà Nội, các xã tâm dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh…
“Những gì xã hội cần, chúng tôi sẽ có mặt và cố gắng hết sức để chung tay”, ông Đoàn lý giải một cách đơn giản.
Có một thực tế, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, như đợt dịch Covid-19 này, doanh nghiệp luôn có mặt trong nhóm đi đầu góp công, góp của…
Doanh nghiệp, doanh nhân cũng như các đơn vị, tổ chức và từng người dân, đều là một phần máu thịt của đất nước, đều cùng có trách nhiệm, tùy theo sức của mình.
Đã từng có người nói, doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất, tạo việc làm, đóng thuế đầy đủ chính là trách nhiệm với đất nước, với nền kinh tế. Nhưng bây giờ, tư duy kinh doanh đã thay đổi nhiều, kinh doanh không chỉ tạo ra của cải, việc làm, mà còn theo cách liêm chính, theo hướng bền vững hơn, nhân văn hơn…
“Nhiều năm nay, chúng tôi đi theo hướng này, nỗ lực phụng sự xã hội”, ông Đoàn cho biết.
Báo chí cũng chia sẻ nhiều câu chuyện nhân văn trong hoạt động của doanh nghiệp, có thể là sự chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của những doanh nhân đã thành danh với giới trẻ; là những chuyển dịch xu hướng đầu tư vào giáo dục, công nghệ, vào nông nghiệp… vì một tương lai Việt Nam xanh hơn, sạch hơn, giàu có và hạnh phúc hơn…
Ông Phạm Đình Đoàn trao tặng TP. Hà Nội 100 triệu đồng để hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19. |
Nhưng doanh nghiệp cũng vô cùng khó khăn, khi dịch bệnh khiến nhiều hoạt động bị đảo lộn, không dễ dành nguồn lực lớn cho các hoạt động vì cộng đồng, thưa ông?
Thử nhìn vào những con số rất lớn đang tăng lên mỗi ngày của Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19, có phần đóng góp của doanh nghiệp và của rất nhiều người, trong đó có những người cuộc sống còn khó khăn, có người Việt ở nước ngoài. Mọi người tham gia không vì một mũi tiêm, mà vì muốn thể hiện quyết tâm chung tay với Chính phủ.
Chúng tôi cũng vậy, khi góp một phần nguồn lực để hiện thực hóa ý tưởng phòng lấy mẫu xét nghiệm di động, hay góp tiền mua vật tư y tế gửi tới tâm dịch, hay tìm kiếm nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19…, mục tiêu chia sẻ với những khó khăn là một phần, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn gửi tới các bác sỹ tuyến đầu, tới những người dân trong vùng dịch, tới các cấp chính quyền là chúng tôi luôn có mặt, sẵn sàng hành động.
Đây cũng là điều chúng tôi chia sẻ với những người lao động trong Tập đoàn. Khi từng người, từng doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các phương án phòng chống dịch để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho khách hàng, đảm bảo không bị đứt gãy sản xuất cũng là góp phần cùng Chính phủ, cùng chính quyền nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Giả thuyết rằng, nếu phải chọn giữa việc để dành tiền hay góp tiền vào các hoạt động phòng chống dịch, tôi tin chắc nhiều người, nhiều doanh nghiệp sẽ chọn như chúng tôi, là đóng góp một phần nguồn lực để sớm kiểm soát được dịch bệnh và đặc biệt là sớm thực hiện được kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân. Trước mắt, chúng tôi đề nghị ưu tiên vắc-xin cho người lao động trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị lớn...
Chỉ khi doanh nghiệp và cả nền kinh tế không còn phải đối mặt với lo ngại về các đợt bùng dịch trên diện rộng, không phải lo ngại việc phong tỏa các vùng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất - kinh doanh, thì mới có thể lên kế hoạch và bước sang trạng thái phục hồi và phát triển.
Nỗ lực mạnh lên, từng bước một
Danh sách đại biểu HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa được công bố, một lần nữa có tên ông Phạm Đình Đoàn. Giống như phần lớn đại biểu HĐND TP. Hà Nội là doanh nhân khác, chương trình hành động của ông đặt ưu tiên các công việc liên quan đến tham gia phản biện, xây dựng, đề xuất chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhưng điều mà ông khiến nhiều người nhớ hơn, đó là sự trăn trở về trách nhiệm của doanh nhân với hiện tại và tương lai của đất nước.
“Để phát triển mạnh mẽ và bền vững, tôi tin rằng, đất nước đang cần những doanh nhân liêm chính, có khả năng quản trị quốc tế; cần nền tảng văn hóa kinh doanh để hội nhập sâu rộng với thế giới”, ông Đoàn chia sẻ.
Trong nhiệm kỳ lần này, ông sẽ vẫn bàn tiếp về trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân?
Một mặt, đây là việc phải làm, vì là điều tôi cam kết với người dân khi tiếp tục ứng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội. Nhưng mặt khác, tôi vẫn thấy cần tiếp tục phải lên tiếng.
Số doanh nhân trong HĐND TP. Hà Nội chưa nhiều, nhiệm kỳ này là 9 trong tổng số 95 đại biểu, có nghĩa là người dân kỳ vọng nhiều hơn vào sự đóng góp của doanh nhân trong sự phát triển của Hà Nội nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thực tế, như tôi đã chia sẻ, doanh nghiệp thay đổi rất nhiều về tư duy, quan điểm kinh doanh, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu - phát triển, vào quản trị doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân chú tâm đến phát triển kinh doanh thực sự… Nhưng vẫn còn doanh nghiệp bóc ngắn, cắn dài, chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm xã hội, bỏ qua lợi ích chung…
Thực trạng này khiến định kiến của người dân về doanh nhân, về người giàu trong xã hội khó thay đổi, nhưng mặt khác, khiến giới trẻ thiếu định hướng rõ ràng về kinh doanh tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, chúng ta sẽ có một thế hệ doanh nhân tương lai như thế nào, doanh nghiệp Việt sẽ bước chân ra thế giới ra sao?
Ông cũng đang là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam. Đây hẳn cũng là mối quan tâm của các ông trong vai là doanh nhân thế hệ đầu tiên, đang lên kế hoạch chuyển giao doanh nghiệp cho đội ngũ kế cận?
Tôi rất muốn chia sẻ về thế hệ F2 của chúng tôi, những người được đào tạo bài bản về kinh doanh, có cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài. Họ sẽ thế nào khi bước chân vào một môi trường kinh doanh phần nhiều vẫn nặng tính quan hệ, sân sau - sân trước, các doanh nghiệp chỉ tính lợi ích của mình…?
Trong Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, chúng tôi nói với nhau về sự chuyển giao thế hệ trong các doanh nghiệp không thể là chuyển giao tài sản, chuyển giao quyền lực, mà phải là chuyển giao giá trị. Chúng ta chỉ có thể chuyển giao giá trị khi thực sự tạo nên được giá trị cho doanh nghiệp, cho sự nghiệp kinh doanh của mình.
Đây là điều chúng tôi luôn nghĩ tới, hướng tới trong kinh doanh, trong thực hiện trách nhiệm xã hội với cồng đồng, với nền kinh tế cũng như trong phản biện, đề xuất chính sách phát triển doanh nghiệp…
Đặc biệt, báo chí cũng cần tham gia vào quá trình thay đổi nhận thức này.
Cũng không thể không nói đến vai trò của Nhà nước trong các nỗ lực tạo giá trị cho doanh nghiệp, thưa ông?
Tôi vẫn nghĩ, đất nước như một gia đình, có một ít của hồi môn. Nếu khoản tiền này đầu tư đúng chỗ, ví dụ như đầu tư cho giáo dục, đường sá…, thì nhiều năm sau, sẽ tạo ra nền tảng cho sự phát triển lâu dài cho các thế hệ con cháu. Nhưng chúng ta sử dụng lãng phí, mải hưởng thụ, thì tiền bao nhiêu cũng sẽ hết, tương lai sẽ không nhận được cái gì.
Như vậy, Nhà nước có trách nhiệm sử dụng các nguồn lực hiệu quả, đúng chỗ, đúng lúc… cả trong chiến lược phát triển đất nước, cũng như trong các chỉ đạo, điều hành trước mắt, trên cơ sở đó, từng doanh nghiệp, người dân sẽ điều chỉnh hoạt động của mình ăn khớp vào quỹ đạo phát triển chung.
Ví dụ, không thể chậm trễ hơn trong các dự án hạ tầng giao thông, không thể chậm hơn các chính sách đầu tư vào giáo dục… - những nút thắt của nền kinh tế, nhưng cũng không thể vì Covid-19 mà các dự án đầu tư của doanh nghiệp bị chậm lại. Doanh nghiệp cần nhìn thấy rõ môi trường kinh doanh được cải thiện thông qua sự tăng tốc trong thực hiện tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với tác động của Covid-19, chứ không chỉ là các chính sách trên… ti vi, hay trên thì nóng, dưới thì lạnh.
Doanh nghiệp cũng thực sự cần các chính sách để doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI vừa cùng khai thác tối đa hiệu quả cơ hội kinh doanh, vừa có thể kết nối, thúc đẩy sự phát triển, thay vì trở thành đối thủ, cạnh tranh triệt tiêu nhau...
Một nền kinh tế thực sự mạnh cần các doanh nghiệp mạnh và các mối liên kết mạnh. Chúng tôi đang nỗ lực để mạnh lên, từng bước một.