Ông Thái Quốc Minh đã có 33 năm hoạt động trong trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng.
Ngoài SHB, ông Minh còn nắm hàng loạt vị trí chủ chốt khác như Chủ tịch HĐTV/ Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân VINA; Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Thương Mại Vinaconex; Thành viên HĐQT CTCP Công nghệ và Phát triển Hạ tầng Viễn thông Unitel;…
Baodautu.vn trích chia sẻ của ông Thái Quốc Minh về 3 bài học kinh nghiệm của bản thân tại Diễn đàn “Từ khởi nghiệp tới thành công bền vững trong thời kinh tế số” vừa được tổ chức ngày 27/09 tại TP.HCM:
Ông Thái Quốc Minh, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) (Ảnh: Lê Toàn) |
Có lẽ 1-2 năm nữa, tôi sẽ viết hồi ký vì cuộc đời tôi lúc lên, xuống với quá nhiều bài học.
Bài học kinh nghiệm đầu tiên, từ tâm lý người làm thuê chuyển sang tâm lý người làm chủ được thay đổi dữ dội.
Khi làm ở tổ chức Nhà nước (Vietcombank-PV) tôi rất có uy tín với các doanh nghiệp khác. Nên tôi nghĩ, khi mình ra ngoài, thiếu gì anh em đồng đội ủng hộ.
Ngày đầu tiên tôi bước ra ngoài với niềm tin tuyệt đối, những người được mình giúp trong quá khứ đã trở nên thành đạt, trưởng thành, thành doanh nghiệp lớn thì bây giờ, họ sẽ xem mình là người anh em, là người bạn thân sẽ giúp đỡ.
Ngày đầu tiên, tôi tiếp xúc 5 lãnh đạo doanh nghiệp lớn mà tôi từng hỗ trợ rất lớn nhưng cả 5 đều quay đi và không một lịch hẹn nào dành cho tôi.
Vì lúc đó, đứng sau lưng tôi không phải thương hiệu của một doanh nghiệp quá lớn mà chỉ là một cá nhân nhỏ lẻ, không có quyền lực.
Sau 3 tuần tôi suy nghĩ lại, thực ra trước đây mình đánh giá quá cao uy tín của cá nhân mình, trong khi đó là uy tín nơi mình làm việc.
Và tôi tìm hiểu, những gì cá nhân có thể làm được và đề ra ý tưởng, thuyết phục các nhà đầu tư bằng ý tưởng kinh doanh có lãi.
Thuyết phục khoa học và dám chịu trách nhiệm. Nếu, sai phạm trước pháp luật, tôi sẵn sàng đi tù, ký đơn luôn, họ mới dám làm.Tôi khẳng định với lợi nhuận tối thiểu trên 10% đến hơn 100%, họ mới dám bỏ tiền theo lộ trình.
Kinh nghiệm đau đớn thứ 2 là thành công quá, tiền vào nhanh quá lại ảo tưởng là người có sức mạnh, thích nghe lời nịnh hót, xúi bẩy của những người tưởng là anh em và bạn bè.
Tôi từng dành rất nhiều tiền đầu tư vào viễn thông, hạ tầng/đường cao tốc, khu đô thị, bất động sản,…Tôi cảm thấy rất oai khi làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐQT rất nhiều công ty.
Rồi dự rất nhiều cuộc họp quan trọng và ai cũng kính thưa/kính gửi, xin ý kiến để phê chuẩn. Cuối cùng, hoá ra mình dốt vẫn hoàn dốt. Tôi chẳng biết gì về sắt thép, xi măng, đấu thầu,…mà vẫn ký hàng loạt giấy tờ.
Đến khi thấy đơn giá xây dựng gần 20tr/m2, cao hơn giá bán ngoài thị trường. Tôi mới ngã ngửa ra mình quá dốt, ảo tưởng sức mạnh tài chính của mình, trong khi bản thân không có nghề.
Bài học kinh nghiệm thứ 3 với tôi là dũng cảm rút lui ra khỏi thất bại và chịu mất tiền.
Tôi đã từng có các vụ kiện, mời Thanh tra của Bộ, các ban ngành sở vào xem thì thấy tôi đều đúng hết và đủ quyền phát đơn kiện ra ngoài.
Nhưng chỉ cần một bạn luật sư trẻ, chính xác là thực tập sinh nói: “Anh làm hồ sơ quá hay, lập luận quá chặt, ra Toà anh chắc chắn anh thắng vinh quanh dù thực tập như em cũng đảm bảo anh thắng. Nhưng anh nghĩ lại một lần nữa đi”, rồi cậu ấy bỏ đi.
Các luật sư lớn tuổi khác nói với tôi, không thắng sẽ không tiền phí.
Nhưng tôi nghĩ lại, thẳng để được cái gì. Thắng doanh nghiệp mình thắng kiện, họ không còn tiền đền bù, kéo dài thi hành án, 5-7 năm nữa thì tiền của mình hoá bụi.
Tôi thay đổi phương án, không kiện nữa mà yêu cầu gặp để thương lượng. Thay vì họ phải đền tôi gấp đôi số tiền họ sẽ bỏ ra, tôi yêu cầu chỉ cần hoàn một nửa giá trị tài sản của tôi và nhận về.
Dù có thiệt nhưng tôi không “chết”. Còn nếu tôi kiện, dù thắng tưởng vinh quang nhưng cả hai cùng “chết” và cũng không biết lúc nào giải quyết xong.Với chủ doanh nghiệp, đôi khi chúng ta phải hy sinh.
Có xứng đáng bỏ công sức đó ra không, Có xứng đáng bỏ thời gian ra không, có tư duy như vậy không và dám buông không?