Ông Tony Blair: Cải cách mà không có phản đối là cải cách kém
Nguyên Đức - 04/03/2015 12:40
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khi trao đổi về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước đã khẳng định, cải cách mà không có phản đối là cải cách kém. Và quan trọng là làm sao để vượt qua được những cản trở đó.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tony Blair đặc biệt quan tâm tới dự án PPP ở Việt Nam
Tony Blair bàn gì khi gặp Bộ trưởng Thăng?
Cải cách vì một đất nước Việt Nam thịnh vượng

Phát biểu tại Hội thảo "Vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam", do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (OTB) tổ chức sáng nay tại Hà Nội, Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khẳng định, tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair
chủ trì Hội thảo về vai trò của doanh nghiệp nhà nước

“Những cải cách mà không có phản đối là cải cách kém. Điều quan trọng là phải làm sao vượt qua những cản trở đó”, ông Tony Blair nói và kể câu chuyện về thời điểm nước Anh thực hiện tư nhân hóa Công ty Viễn thông Anh, đã vấp phải sự phải đối dữ dội của người lao động.

“Tôi đã phải đứng suốt đêm trước Quốc hội để giải trình. Giờ mà nói quốc hữu hóa lại công ty đó, thì cũng sẽ có những phản đối như thế”, ông Tony Blair nói và khẳng định, việc cải cách, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước đã mang lại sự thay đổi lớn cho nền kinh tế, trong đó có thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nhiều nền kinh tế đã thay đổi. Những năm 40-50 của thế kỷ trước là kỷ nguyên doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối. Vào lúc đó, người ta nghĩ rằng đó là cách để nền kinh tế phát triển và bảo vệ lợi ích người lao động. Nhưng theo thời gian, hiệu quả của mô hình này cần được nhìn nhận lại và cải cách là quan trọng”, ông Tony Blair khẳng định.

Trong khi đó, theo nghiên cứu về vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, do OTB thực hiện sau khi đặt văn phòng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có rất nhiều lý do các Chính phủ vẫn duy trì một số doanh nghiệp nhà nước. Đó là để duy trì sở hữu của Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên; để sửa chữa các thất bại thị trường...

Cũng còn lý do khác, đó là việc thiếu năng lực pháp lý buộc chính phủ phải duy trì sở hữu trực tiếp trong một số lĩnh vực. Và có thể là do các quốc gia gặp phải sự phản đối về mặt chính trị đối với vấn đề cổ phần hóa.

“Bài học rút ra cho Việt Nam là Chính phủ cần làm rõ các mục tiêu đối với sở hữu nhà nước và xây dựng một lộ trình vững chắc để cải cách khu vực kinh tế nhà nước, cũng như xây dựng các công cụ và cơ chế thích hợp để thực hiện lộ trình này”, bà Fale Maly, Văn phòng OTB nói.

Các mục tiêu được bà Fale Maly viện dẫn có thể là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong theo đuổi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như một phần của nỗ lực lớn hơn trong việc tiến tới một nền kinh tế thị trường, hay chỉ đơn thuần là cải thiện hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này.

“Liệu có phải Chính phủ Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước để giảm nợ công hay là do áp lực quốc tế? Xác định rõ điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cách thức thực hiện tiến trình cải cách”, bà Fale Maly nói.

Trước đó, khi phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực rất lớn để cải cách doanh nghiệp nhà nước. Từ 12.000 doanh nghiệp nhà nước vào thập kỷ 90, giờ đây con số chỉ còn lại là 800 doanh nghiệp nhà nước. Tất cả là nhờ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tới đây cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải thực chất hơn, để làm sao cải thiện được quản trị doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng cũng đồng tình quan điểm của Cựu Thủ tướng Tony Blair về việc cải cách thì phải có phản đối và đó mới là đổi mới thực chất. “Chúng ta phải vượt qua được những cải ngại đó để đổi mới tốt hơn không chỉ doanh nghiệp nhà nước, mà cả nền kinh tế”, Bộ trưởng khẳng định.

 

Tin liên quan
Tin khác