Ông Trương Gia Bình |
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với VINASA tổ chức chương trình Giao lưu Khởi nghiệp 2016 với chủ đề “Khởi nghiệp cùng CNTT” vào chiều ngày 20/5, thu hút gần 300 sinh viên, thanh niên cùng đại diện các doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực CNTT. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình là diễn giả của sự kiện này.
Chia sẻ về chủ đề Việt Nam là điểm sáng của khởi nghiệp, ông Trương Gia Bình kiên định với quan điểm của bản thân về việc để cho con trẻ chơi game là ý tưởng sáng suốt. Theo ông, một em bé sinh ra và lớn lên ở nước Nhật sẽ không có thời gian chơi game vì bị quản thúc bởi nhà trường, phụ huynh. Các em bé ở Mỹ và một số nước cũng vậy. Game cũng không phải là trò chơi được khuyến khích ở châu Âu. Chỉ có trẻ em Việt Nam là được chơi nhiều với 5,5 tiếng cho Internet, gấp hơn 3 lần ở các nước khác. “Điều đó dẫn tới sự may mắn cho dân tộc khi Việt Nam đang có một thế hệ lớn lên với Internet, đồng hành với Internet rất hùng mạnh”, ông Bình nói.
Mới đây Google đã có thông báo, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới trong khối các nước phát triển có số người sử dụng Internet lớn hơn một nửa dân số. Viện Phát triển Chính trị đánh giá, Việt Nam là nước đứng đầu về phát triển ứng dụng cho điện thoại di động. Vì vậy, ông Bình cho rằng, nếu có thể phát huy được thế hệ này sẽ tạo ra sự phát triển mạnh mẽ.
“Con số thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp đang startup, trong đó doanh nghiệp CNTT có con số vượt trội hơn so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. Do đó, tôi khẳng định, trẻ con được chơi game là điều tốt. Đó có thể là quan điểm riêng của tôi nhưng tôi kiên định với ý kiến này”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng bật mí: “Tôi cũng có nhiều cuộc tranh luận trong gia đình, mặc dù bị “đàn áp” nhưng tôi vẫn kiên cường với việc cho con mình chơi game. Và càng ngày tôi càng tin rằng cho con mình chơi game là ý tưởng sáng suốt”.
Trước đó, mở đầu phần chia sẻ, trả lời câu hỏi: “Vì sao Việt Nam là điểm sáng của khởi nghiệp?”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, dù chưa chắc chắn về cụm từ “điểm sáng” song ít nhất câu hỏi này cũng đã có phương án trả lời, đó là đúng thời điểm.
Ông Bình cho hay, hãng nghiên cứu và tư vấn CNTT Gartner đã nhận định thế giới thực và thế giới ảo sẽ là một. Theo đó, mọi công ty, tổ chức sẽ trở thành công ty số, tổ chức số. Nếu như trước kia, việc sở hữu nhiều đất đai, máy móc, của cải được coi là giàu thì hiện nay, người giàu là người nắm bắt được nhiều thông tin, am hiểu CNTT. Hiện nay 1,5 tỷ người đã dùng, liên lạc thường xuyên qua Facebook. Một loại công ty, thậm chí có cả công ty bất động sản hình thành và phát triển mạnh nhưng không có đến một m2 đất; hay là công ty vận tải lớn nhưng không sở hữu riêng một chiếc xe nào như Uber.
Lấy ví dụ về Singapore, theo ông Bình, Lý Hiển Long ngoài vị trí Thủ tướng còn là người đi đầu trong lĩnh vực số. Lý Hiển Long đã hiểu được Singapore nếu muốn tiếp tục giữ vị thế ở khu vực trong tương lai thì phải đi đầu trong lĩnh vực số. Với Việt Nam, trong các cuộc chiến tranh, mỗi một người dân đã trở thành một người lính đứng lên đấu tranh giành lại độc lập tự do, giúp Việt Nam giữ được độc lập chủ quyền của mình.
Từ đó, ông Bình khẳng định: “Cuộc cách mạng số này cho phép mỗi một công dân trở thành một doanh nghiệp số, thậm chí có thể trở thành một doanh nghiệp số hoành tráng như Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird. Flappy Bird đã được biết đến khắp thế giới, nổi tiếng toàn nước Mỹ khi ở Việt Nam chưa ai nói đến. Đấy là thời điểm. Nó chỉ mới bắt đầu và Việt Nam có cơ hội trong vấn đề này”.
Ông Bình cũng chỉ ra rằng, nguyên tắc quan trọng của khởi nghiệp là “không biên giới”. Theo đó, người làm startup cần có tầm nhìn toàn cầu và liên kết toàn cầu. Ngoài ra, với việc trở thành một trong những nước phát triển về phần mềm, Việt Nam đã có hàng triệu lao động am hiểu CNTT. Điều cần làm tiếp theo là hợp sức lại và nuôi dưỡng ý chí vươn lên.
Trong phần thảo luận, các diễn giả đã cùng giải đáp thắc mắc xoay quanh nội dung: Cơ hội và những trở ngại có thể gặp phải cho các startup khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam; Đề xuất, giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để Việt Nam trở thành điểm sáng khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT.
Giải đáp cho các câu hỏi “Ý chí khởi nghiệp khởi nguồn từ đâu? Văn hóa khởi nghiệp có điểm mạnh và điểm yếu gì?”, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết, điều quan trọng nhất để tạo nên ý chí khởi nghiệp là bắt nguồn từ tình cảm. “Nếu bạn yêu gia đình mình, bạn bè mình, quê hương mình… thì đó là động lực thôi thúc bạn khởi nghiệp. Văn hóa khởi nghiệp đòi hỏi hành động. Người lập nghiệp cứ đứng nhìn, chọn hướng và bước đi chậm. Còn người khởi nghiệp thì nghĩ đâu làm đấy. Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì phải hành động và hành động. Nếu các bạn thực sự khởi nghiệp, các bạn phải rất tự chủ, sáng tạo và đam mê”, ông Bình chia sẻ.
Trước đó, chương trình đã nghe tham luận của Chủ tịch MISA, Phó Chủ tịch VINASA Lữ Thành Long về vấn đề kỳ vọng môi trường và chính sách. Theo ông Long, để chuẩn bị khởi nghiệp, sinh viên phải biết lập kế hoạch kinh doanh; được cố vấn phản biện về ý tưởng; biết cách thuyết phục và tìm nhà đầu tư để gọi vốn; biết thủ tục pháp lý để thành lập doanh nghiệp; và biết cách tổ chức doanh nghiệp để hoạt động.
Phạm Đức Cường, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: “Phần chia sẻ của Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình rất thiết thực với xu hướng khởi nghiệp. Nhiều thông tin đưa ra có thể áp dụng vào hoạt động thực tế của sinh viên và cho em một vài ý tưởng mới mẻ về khởi nghiệp”.
Ngành CNTT của Việt Nam đang được tạo điều kiện phát triển. So với các ngành khác, số lượng các bạn trẻ khởi nghiệp từ CNTT đang chiếm tỷ trọng lớn do đáp ứng nhu cầu của xã hội. Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, chương trình này đã giúp thanh niên, sinh viên có được bức tranh tổng thể về quá trình khởi nghiệp ở lĩnh vực CNTT. Bên cạnh đó, chương trình cũng nhằm giúp các bạn trẻ sớm triển khai các ý tưởng sáng tạo của mình, thúc đẩy tư duy năng động để sớm hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh và phát triển sản phẩm sáng tạo bằng CNTT.