Năm 2020, OPEC+ thống nhất cắt giảm sản lượng kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày khi nhu cầu dầu mỏ lao đáy vì đại dịch Covid-19. Ảnh: AFP |
Động thái của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh do Nga dẫn đầu (gọi tắt là OPEC+) diễn ra trong bối cảnh giá dầu leo thang do nguồn cung bị gián đoạn kéo dài và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.
Với ngưỡng 80 USD/thùng, giá dầu đã đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây và tình tình càng trở nên trầm trọng hơn khi giá khí đốt cũng tăng vọt 300% và giao dịch sát mốc 200 USD/thùng do thiếu hụt nguồn cung và sản lượng khai thác các nhiên liệu khác ở mức thấp.
Trước đó vào tháng 7, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất là tháng 4/2022 để thu hẹp dần mức cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày đã được áp dụng trong thời gian qua.
Bốn nguồn tin OPEC+ đã nói với Reuters vào tuần trước, các thành viên trong liên minh dầu mỏ này đang xem xét tăng sản lượng vượt xa mức tăng 400.000 thùng/ngày đã được thống nhất vào tháng 7. Tuy nhiên, cụ thể OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm bao nhiêu và khi nào vẫn chưa được tiết lộ.
Một nguồn khác từ OPEC+ dự đoán rất có khả năng liên minh này sẽ bơm thêm 800.000 thùng/ngày trong một tháng. "Chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào", một nguồn tin của OPEC+ cho biết.
Giá dầu, khí đốt, than đá, và điện trên thế giới đều tăng cao, gây ra áp lực lạm phát và làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Giới phân tích cho rằng thị trường dầu mỏ thế giới đang cần nguồn cung dồi dào hơn nhiều so với mức tăng 400.000 thùng mỗi ngày mà OPEC+ đã và đang áp dụng.
Tuần trước, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Thái tử Saudi Arabia (Ả Rập Xê-út) Mohammed bin Salman ở Saudi Arabia để thảo luận về cuộc chiến ở Yemen, đồng thời cũng đề cập đến mối quan tâm khác là dầu mỏ.