Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Công ty Aramco ở Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước xuất liên minh bao gồm cả Nga, còn gọi là OPEC+, ngày 15/7 đã nhất trí nới lỏng các mức cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2020, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Kể từ tháng 5/2020, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, sau khi dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu năng lượng thế giới giảm tới 1/3.
Bắt đầu từ tháng Tám tới, mức cắt giảm này sẽ chính thức giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2020.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng mức cắt giảm thực tế sẽ còn sâu hơn vì các quốc gia vốn đã sản xuất quá mức trong các tháng 5-6/2020 sẽ cắt giảm thêm vào tháng 8-9/2020 để bù đắp.
Do đó, tổng mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ có thể lên tới khoảng 8,1-8,3 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng Abdulaziz cũng cho biết xuất khẩu dầu của Saudi Arabia trong tháng 8/2020 sẽ giữ nguyên như tháng Bảy, vì khoảng 500.000 thùng dầu mà nước này dự kiến sản xuất bổ sung sẽ được sử dụng ở trong nước.
Giá dầu hiện đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 21 năm là dưới 16 USD/thùng ghi nhận hồi tháng Tư lên gần 43 USD/thùng trong thời gian gần đây.
Trước buổi họp ngày 15/7, OPEC đã công bố báo cáo hàng tháng, trong đó dự báo nhu cầu năng lượng thế giới sẽ phục hồi 7 triệu thùng/ngày vào năm 2021, sau khi ghi nhận mức giảm 9 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Tuy nhiên, những lo ngại về một làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai đang đè nặng lên thị trường. OPEC+ nhận định nếu làn sóng này xảy ra, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ suy giảm sâu hơn và lên tới 11 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Theo kịch bản tiêu cực như vậy, OPEC sẽ không giải quyết được số dầu dư thừa vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, điều này cũng đe dọa kế hoạch bơm thêm 6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cho thị trường toàn cầu vào năm tới của OPEC.